Doanh nghiệp Đồng Tháp quan tâm thực hiện kiểm kê khí nhà kính
ĐTO - Trong thời đại hiện nay, hoạt động kiểm kê khí nhà kính (KNK) là chìa khóa giúp định lượng cụ thể các nguồn phát thải và dự báo được lượng phát thải trong tương lai. Điều này có thể giúp cộng đồng doanh nghiệp (DN) thiết lập mục tiêu, xây dựng chính sách để bảo đảm phát triển bền vững và cùng chung tay triển khai công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Đồng Tháp, dù hoạt động kiểm kê KNK còn khá mới, nhưng thời gian qua, các ngành, các cấp đã quan tâm hơn đến vấn đề này, trong đó có nhiều chương trình hỗ trợ để DN thực hiện.
Đảm bảo việc kiểm kê khí nhà kín
Theo các chuyên gia, KNK (Greenhouse Gas - GHG) là lượng khí được thải ra từ hoạt động của các sinh vật trên trái đất, bao gồm: con người, động vật và thực vật. KNK có thể phát sinh từ việc chăn nuôi, trồng trọt, giao thông, sản xuất công nghiệp, khai thác nhiên liệu hóa thạch...
Trong bối cảnh hiện nay, việc giảm phát thải KNK đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các DN, bởi xu hướng tiêu dùng đang thay đổi. Sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững là mối quan tâm hàng đầu hiện nay nên những sản phẩm được đánh giá không đáp ứng tiêu chuẩn xanh sẽ khó có thể đáp ứng nhu cầu của Quốc gia nhập khẩu, chưa kể họ sẽ áp một loại thuế lên những mặt hàng này.
Cùng với thế giới, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Từng bước thực hiện lộ trình trên, Nghị định 06/2022/NĐ-CP ban hành ngày 7/1/2022 đã có quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozon. Đồng thời, các DN đã được đưa vào danh sách nhằm thực hiện thí điểm việc báo cáo phát thải KNK vào năm 2025.
TS. Hà Minh Hiệp - Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Quốc gia, chia sẻ: “Việc kiểm kê KNK là cơ sở bước đầu để Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước tính toán phân bổ hạn ngạch phát thải KNK cho từng ngành, tiểu ngành, cơ sở phát thải KNK lớn sau này. Các cơ sở, DN nếu không làm kỹ lưỡng và báo cáo thì sẽ chịu thiệt thòi. Hiện nay, các ngành chức năng đang xây dựng và dự kiến năm 2026 sẽ có thị trường tín chỉ carbon trong nước thí điểm, năm 2028 sẽ vận hành chính thức. Các cơ sở có thể mua bán tín chỉ carbon trên thị trường này, kết nối với thị trường quốc tế từ năm 2030 (dựa trên hạn ngạch phát thải được phân bổ so với thực tế, hạn ngạch còn dư được quy đổi thành tín chỉ carbon và có thể bán).
Tại tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2024, tỉnh đạt các chỉ tiêu về hỗ trợ xây dựng 1 - 2 mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn, sản xuất tiêu dùng bền vững để phổ biến và nhân rộng trên địa bàn tỉnh; 80% các khu, cụm công nghiệp và 50% làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Đồng thời có 80% các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi được sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; khuyến khích lồng ghép nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chương trình đào tạo, giảng dạy tại các cấp đào tạo...
Với những mục tiêu đề ra, kế hoạch đề ra 4 nội dung thực hiện: đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, xây dựng mạng lưới liên kết sản xuất, hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững, giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung cấp sản phẩm thân thiện môi trường. Đồng thời, thực hiện lồng ghép nội dung các đề án, chương trình, kế hoạch hiện có như: Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chương trình khuyến công; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025...
Sản xuất và tiêu dùng bền vững
Ông Trần Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT), chia sẻ: “Từ năm 2024, thực hiện kiểm kê KNK cấp cơ sở (tự làm hoặc thuê tư vấn), DN phải nộp báo cáo kiểm kê KNK 2 năm/lần, báo cáo đầu tiên nộp trước 31/3/2025; nộp kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK giai đoạn 2026 - 2030 trước 31/12/2025, cập nhật kế hoạch giảm phát thải KNK hàng năm; nộp báo cáo kết quả giảm phát thải KNK hàng năm...”.
Trong định hướng, thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024, UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ban, ngành chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thành phố và các đơn vị, tổ chức liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả; làm đầu mối giúp UBND tỉnh đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện. Đồng thời khuyến khích xây dựng mô hình phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải phù hợp với điều kiện địa phương để rút kinh nghiệm trước khi phổ biến, nhân rộng; tuyên truyền sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần túi ni-lông khó phân hủy, các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần tại các chợ, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh...
Theo ông Huỳnh Văn Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp, việc kiểm kê KNK sẽ không dễ dàng vì đây là lần đầu DN tiếp cận với những khái niệm và cách làm này. “Là đơn vị chuyên sản xuất nông sản sấy phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Do đó, ngoài vấn đề đảm bảo về chất lượng và an toàn trong sản xuất, đơn vị rất quan tâm đến vấn đề sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường. Qua thực hiện đánh giá sản xuất sạch hơn tại công ty, các chuyên gia của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp đã đề xuất cho công ty giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, công ty đã tiến hành thực hiện nhiều giải pháp mang lại hiệu quả tiết kiệm nguyên nhiên liệu và giảm phát thải KNK”- ông Hiệp chia sẻ thêm.
Ông Trần Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp - QUACERT, cho rằng: “Thời gian tới, DN cần áp dụng và thẩm tra theo ISO 14068-1, trong đó, định lượng và giảm phát thải KNK một cách nhất quán, minh bạch; tiết kiệm chi phí bằng cách giảm tiêu thụ năng lượng và giảm thiểu phát thải KNK. Đồng thời đáp ứng các yêu cầu pháp lý và kỳ vọng giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu xuống 1,50C; xác định các lĩnh vực kém hiệu quả và cải thiện tổng thể kết quả thực hiện một cách có kế hoạch, dựa trên cơ sở khoa học; nâng cao uy tín với tuyên bố trung hòa carbon được thẩm tra độc lập; đạt được niềm tin với khách hàng và các bên liên quan; giúp định hướng những nội dung cần làm liên quan đến biến đổi khí hậu...”.