Doanh nghiệp du lịch thắt chặt liên kết, cùng nhau phục hồi
Trong 2 ngày 23 và 24/3/2023, chương trình thường niên 'Hội ngộ 3 miền' của Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội được tái khởi động với tên gọi Unesco Travel Fest 2023 cùng nhiều hoạt động thiết thực hướng tới sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới.
Với thông điệp “Cùng nhau trở lại - Together Again”, chương trình Unesco Travel Fest (UTF) 2023 trở lại với nhiều điểm mới, bao gồm chuỗi sự kiện: Kết nối doanh nghiệp, tọa đàm, khảo sát điểm đến và tiệc giao lưu nhằm tăng cường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, vận chuyển, dịch vụ, điểm đến ở trong nước và quốc tế.
Ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội cho biết: “Sau thời gian dài chờ đợi, chương trình UTF 2023 đã trở lại với quy mô lớn hơn, được chuẩn bị kỹ càng và đầu tư công phu hơn các năm trước. Đây là sân chơi lành mạnh, thiết thực, bổ ích cho các doanh nghiệp lữ hành, du lịch trên cả nước, cùng nhau phục hồi sau đại dịch Covid-19”.
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện hoạt động của Chương trình UTF 2023, sáng 23/3/2023, tại Khu di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức chương trình khảo sát “Tìm về kinh đô người Việt cổ”. Chiều 23/3, các doanh nghiệp tiếp tục tham dự hoạt động kết nối doanh nghiệp (B2B) và tọa đàm “Kinh nghiệm xúc tiến du lịch và phát triển thị trường trong tình hình mới”.
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Mai Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho rằng để phúc hồi sau dịch Covid-19, các điểm đến trên cả nước và Hà Nội nói riêng đều cần tạo ra những sản phẩm du lịch mới. Năm nay, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 với chủ đề "Kết nối di sản – phát triển du lịch", dựa vào thế mạnh văn hóa, di sản của Hà Nội để thu hút du khách quay trở lại nhiều lần.
"Chúng tôi kỳ vọng di sản của Thủ đô sẽ chạm đến trái tim, sự tò mò và ham thích tìm hiểu của du khách. Đây là chủ đề mà Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội sẽ theo đuổi và triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch trong thời gian tới, nên rất cần sự đồng hành của các doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không để quảng bá bản sắc văn hóa Thủ đô đến du khách quốc tế" – bà Nguyễn Thị Mai Anh nói.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường du lịch trong tình hình hiện nay, ông Triệu Quốc Thịnh - Giám đốc công ty du lịch và tổ chức sự kiện Triệu Hoàng Travel cho rằng các doanh nghiệp không nên cạnh tranh lẫn nhau về giá mà bằng chất lượng dịch vụ và sản phẩm khác biệt.
Ông Triệu Quốc Thịnh nêu ý kiến: "Hiện nay xu hướng khách đi theo nhóm nhỏ, gia đình nên chúng tôi tập trung vào phân khúc này, thiết kế tour riêng cho từng đoàn với những trải nghiệm mới lạ, nhất là luôn chăm sóc khách trong quá trình tour. Du khách giờ cũng rất chủ động tìm hiểu và tự đặt dịch vụ, nên mỗi doanh nghiệp cần tiếp cận khách sâu sát hơn, tư vấn và cung cấp dịch vụ tốt hơn nữa. Như vậy khách hàng có thể cân nhắc lựa chọn giữa một bên cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách trong cả kỳ nghỉ, thay vì phải tự mình đặt và giải quyết mọi vấn đề phát sinh. Chắc chắn du khách sẽ thấy được những ưu điểm, lợi ích tối đa khi đặt dịch vụ qua các công ty lữ hành".
Hôm nay (24/3), Unesco Travel Fest 2023 tiếp tục tổ chức cho các đoàn doanh nghiệp khảo sát và xây dựng sản phẩm du lịch kết nối khu di tích Hoàng thành Thăng Long và làng gốm Bát Tràng bằng xe buýt 2 tầng./.