Doanh nghiệp đua nhau khất nợ trả tiền trái phiếu: 'Phủi tay' với khách hàng?
Nhiều nhà đầu tư cho biết, đang bị công ty chứng khoán 'phủi tay' không mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đến kỳ thanh toán bằng cách dùng mẹo mực ký các hợp đồng gia hạn có cài các điều khoản hủy bỏ hợp đồng đã ký trước đó.
Cài điều khoản để “phủi tay”
Thị trường trái phiếu đóng băng, bất động sản gặp khó khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản đối mặt khó khăn chưa từng có. Bên cạnh nhiều doanh nghiệp thông báo mua lại trái phiếu trước hạn, nhiều doanh nghiệp lại đưa ra lý do gặp khó về dòng tiền, đã thông báo "khất nợ" hoặc đề nghị chậm trả lãi/gốc, thậm chí xin gia hạn thời gian mua lại trái phiếu đã phát hành.
Mới đây một Công ty Cổ phần lĩnh vực BĐS thông báo xin chậm thanh toán gốc, lãi tổng cộng 210 tỷ đồng của lô trái phiếu (đáo hạn ngày 31/12/2022). Đơn vị này cho biết, mới thanh toán được tiền lãi và 90 tỷ đồng tiền gốc trong khoản phát hành 300 tỷ đồng và đề xuất trả nửa tiền nợ gốc vào đầu tháng 3/2023 và phần còn lại vào cuối tháng 3/2023.
Trước đó, nhiều DN cũng thông báo chậm trả lãi TPDN như Công ty Hoàng Anh Gia Lai là 302,8 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Trung Nam là 128,9 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai với 5,6 tỷ đồng…
Mới nhất, Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC - Mã: TDC) đã báo cáo về việc chậm thanh toán gốc, lãi của lô trái phiếu TDC.BOND.2020.700. Theo kế hoạch, từ ngày 15/2 đến 22/2, Becamex TDC sẽ phải thanh toán gần 24 tỷ đồng lãi đợt 9 của lô trái phiếu này. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết, chỉ thanh toán được 7 tỷ đồng vào ngày 15/2, còn lại gần 17 tỷ đồng chưa thể thanh toán.
Phản ánh với PV Tiền Phong, nhiều nhà đầu tư TPDN cho biết, đang mắc kẹt vì phải lo trả tiền vay đã huy động trước đó của người thân để mua TPDN. Nhiều nhà đầu tư phải chấp nhận mất lãi suất, thậm chí "cắt lỗ" tiền mua trái phiếu để thu hồi tiền. Bên cạnh việc chấp nhận mất lãi, nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu Saigon Glory (phát hành qua Công ty Chứng khoán Tân Việt) cho biết, còn bị công ty này phớt lờ việc đáo hạn hợp đồng, đồng thời "bẫy" nhà đầu tư bằng nhiều trò ký biên bản gia hạn hợp đồng, nhằm phủi trách nhiệm phải mua lại trái phiếu đáo hạn.
Chị Nguyễn Thanh Thúy (Hà Nội), nhà đầu tư trái phiếu thông qua hợp đồng môi giới mua trái phiếu của Công ty Chứng khoán Tân Việt cho biết, đầu tháng 12/2021, chị được nhân viên của công ty này chào mời mua trái phiếu của Công ty TNHH Saigon Glory (mã trái phiếu SGL-2020-03) với cam kết công ty sẽ mua lại sau 12 tháng, hợp đồng không hủy ngang vì bất cứ lý do gì. Tuy nhiên, đến hạn thanh toán vào ngày 9/12/2022, Công ty Chứng khoán Tân Việt chỉ thông báo ngắn gọn: “Không có tiền mua lại trái phiếu” và đề nghị ký hợp đồng gia hạn đến tháng 6/2023.
“Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tôi cũng đồng ý gia hạn hợp đồng, tuy nhiên, gặp tôi, nhân viên chỉ đưa một tờ biên bản thỏa thuận soạn sẵn với nội dung hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng mua bán trái phiếu mà tôi đã ký với Công ty Chứng khoán Tân Việt. Khi thấy nhân viên công ty này liên tục giục ký nhanh, tôi đã nghi ngờ nên không ký. Về nhà đọc kỹ hợp đồng mới phát hiện họ đang lừa mình bằng cách cài điều khoản hủy bỏ hợp đồng trong biên bản thỏa thuận để không mua lại trái phiếu đã phát hành”, chị Thúy cho hay.
Cũng theo chị Thúy, sau khi tìm hiểu, chị phát hiện rất nhiều khách hàng mua trái phiếu từ Công ty Chứng khoán Tân Việt cũng bị dụ dỗ ký vào biên bản nhưng kèm điều khoản hủy đồng trốn trách nhiệm mua lại nhiều tỷ đồng trái phiếu đã môi giới phát hành. “Tôi và các nhà đầu tư khác đang làm đơn tố cáo hành vi phủi tay với khách hàng của Công ty Chứng khoán Tân Việt đến cơ quan công an và Bộ Tài chính”, chị Thúy nói. Chị cũng cho biết, trước đó, vào tháng 11/2022, chị cùng rất nhiều nhà đầu tư khác bị Công ty Chứng khoán Tân Việt quỵt toàn bộ lãi suất cam kết trong một hợp đồng góp vốn ủy thác mà công ty này đã huy động vốn của nhà đầu tư trái phiếu.
Anh V.P, nhà đầu tư mua trái phiếu thông qua môi giới của Công ty Chứng khoán Tân Việt cũng cho biết, anh cùng rất nhiều nhà đầu tư khác sẽ căng băng rôn đòi tiền công ty này và tố cáo ra công an trong thời gian tới.
Cần cột trách nhiệm và xử lý nghiêm
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Phan Phương Nam (Đại học Luật TPHCM) cho biết, có tình trạng doanh nghiệp mua công ty chứng khoán và biến công ty chứng khoán thành “sân sau” để hỗ trợ phát hành TPDN. Để lành mạnh hóa thị trường TPDN, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, cơ quan chức năng cần cảnh báo những “liên minh ma quỷ” với công ty sân trước, sân sau trong phát hành trái phiếu.
Với trường hợp Công ty Chứng khoán Tân Việt cài điều khoản mánh mung khi làm việc với khách hàng chấm dứt hợp đồng môi giới mua bán TPDN khi đến hạn, trái chủ cần đọc kỹ các điều khoản cam kết như mua lại trái phiếu, thời điểm chấm dứt hợp đồng…“Với vai trò là đơn vị môi giới, Công ty Chứng khoán Tân Việt phải có trách nhiệm, không thể “phủi tay” với trái chủ”, TS Nam khẳng định.
“Công ty chứng khoán là đại lý phát hành cần thực hiện đúng cam kết với người mua TPDN. Nếu đơn vị này phủi bỏ trách nhiệm, cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm minh để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường”. PGS TS Ngô Trí Long
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nếu để tình trạng doanh nghiệp phát hành, đại lý chào bán TPDN đùn đẩy trách nhiệm như hiện nay, người mua trái phiếu sẽ chịu thiệt thòi và không có người đứng ra bảo vệ. Nếu các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Công an không xử lý nghiêm minh trách nhiệm của các bên trong phát hành TPDN, nhà đầu tư sẽ mất niềm tin với thị trường, điều này sẽ gây hại về lâu dài liên quan đến việc phát hành trái phiếu.
PGS TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, nội dung trong hợp đồng môi giới mua bán TPDN giữa trái chủ và các công ty môi giới đều có các điều khoản về việc cam kết mua lại, không hủy ngang. Trường hợp như Công ty Chứng khoán Tân Việt đang phủi tay với khách hàng là một trong những căn cứ để trái chủ đòi quyền lợi. “Nếu trong hợp đồng ghi rõ, trách nhiệm của Công ty Chứng khoán Tân Việt có điều khoản cam kết mua lại TPDN mà đơn vị này rũ bỏ trách nhiệm, cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý. Từ đó đảm bảo quyền lợi cho người mua TPDN và răn đe doanh nghiệp có hành vi sai phạm”, ông Long nói.
Ông Long cho rằng, là đơn vị quản lý nhà nước, Bộ Tài chính có trách nhiệm với thực tế bất ổn, méo mó thị trường TPDN hiện nay. Thời gian qua, Bộ Tài chính có dấu hiệu buông lỏng quản lý thị trường TPDN nên mới dẫn đến tình trạng rối như hiện nay.
“Trước đây, Bộ Tài chính đã liên tục có cảnh báo với nhà đầu tư về TPDN nhưng mới mang tính hình thức, đối phó. Sau khi cảnh báo, Bộ Tài chính cần có biện pháp thiết thực, cụ thể như kiểm tra, thanh tra, công bố sai phạm của doanh nghiệp sai phạm để ngăn ngừa rủi ro. Tuy nhiên, thực tế, Bộ Tài chính đã không làm được việc này”, ông Long đánh giá.