Doanh nghiệp Đức đề xuất thúc đẩy chuyển đổi số

Các công ty Đức là thành viên Hiệp hội Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) rất tích cực trong đổi mới công nghệ. GBA đã đề xuất một số chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

Bosch rất tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.

Bosch rất tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.

Theo Báo cáo Triển vọng kinh doanh đầu xuân 2023 của AHK Việt Nam, 91% công ty Đức muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đáng chú ý, 57% doanh nghiệp Đức đang tìm kiếm nhà cung cấp mới để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các công ty Đức đã đăng ký tổng vốn đầu tư 159,4 triệu USD tại Việt Nam, thông qua 18 dự án mới trong nửa đầu năm 2023.

Các công ty Đức rất tích cực trong việc đổi mới công nghệ. Schaeffler, một nhà cung cấp hàng đầu về công nghiệp và ô tô, đã thành lập một cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam (năm 2019), áp dụng nhiều công nghệ 4.0, góp phần vào tiến bộ trong lĩnh vực sản xuất thông minh và phân tích dữ liệu thời gian thực.

Ví dụ nổi bật khác là Bosch - một nhà cung cấp công nghệ và dịch vụ toàn cầu, rất tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Công ty đã đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu và phát triển cũng như cơ sở sản xuất, phát triển các giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực tự động hóa, tiết kiệm năng lượng và công nghệ thành phố thông minh.

Những công ty này đều là thành viên Hiệp hội Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA). Các hội viên GBA, từ các tập đoàn đa quốc gia đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đều tham gia trao đổi kiến thức, chuyển giao công nghệ và phát triển năng lực, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. GBA hỗ trợ bằng việc tổ chức một số sự kiện xoay quanh chủ đề công nghiệp 4.0, cuộc thi khởi nghiệp và các chuyến tham quan đến những cơ sở sản xuất tiên tiến khác.

Từ thực tiễn hoạt động, GBA đề xuất một số chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, gồm:

Một là, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Một trong những cột mốc quan trọng của chuyển đổi số là phải có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số vững mạnh. Việt Nam nên tập trung vào nâng cao kết nối mạng rộng khắp và phủ sóng mạng 5G nhiều khu vực hơn. Đầu tư vào cáp dưới biển, trung tâm dữ liệu và truy cập Internet tốc độ cao là rất quan trọng để tạo nền tảng cho tương lai kỹ thuật số.

Hai là, thúc đẩy các dự án chính phủ điện tử. GBA đề xuất, Việt Nam nên ưu tiên phát triển dự án chính phủ điện tử. Tiếp nhận dịch vụ thủ tục hành chính và thông tin của chính phủ trực tuyến không chỉ giảm bớt sự rườm rà, mà còn tăng cường tính minh bạch và hiệu quả. Xây dựng một nền tảng chính phủ điện tử an toàn, dễ sử dụng và thống nhất sẽ khuyến khích người dân và doanh nghiệp tương tác với cơ quan hành chính một cách dễ dàng hơn.

Ba là, phát triển kỹ năng và giáo dục kỹ thuật số. Một lực lượng lao động có kỹ năng là nền móng của bất kỳ sự chuyển đổi số nào. Việt Nam nên đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo kỹ thuật số, tập trung đặc biệt vào các kỹ năng liên quan đến công nghệ như phát triển phần mềm, phân tích dữ liệu và tiếp thị kỹ thuật số. Hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp có thể giúp thiết kế các chương trình giáo dục theo nhu cầu của thị trường lao động.

Bốn là, khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. GBA đề xuất tạo một môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Điều này làm đơn giản hóa quy trình đăng ký, cung cấp tài chính và hỗ trợ thông qua các trung tâm vườn ươm và tăng tốc khởi nghiệp. Hỗ trợ khởi nghiệp dựa trên công nghệ có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo được nhiều việc làm.

Năm là, phát triển quy định về an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu. Khi quá trình số hóa mở rộng, nhu cầu về quy định an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cũng tăng lên. Việt Nam nên thiết lập một khung pháp lý toàn diện để bảo vệ thông tin nhạy cảm, xây dựng niềm tin trong hệ sinh thái kỹ thuật số và khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Sáu là, đầu tư vào các thành phố thông minh. Phát triển thành phố thông minh liên quan đến việc tận dụng các công nghệ số để cải thiện cuộc sống đô thị. GBA đề xuất Việt Nam nên đầu tư vào các dự án thành phố thông minh, bao gồm hệ thống giao thông hiệu quả, giải pháp năng lượng bền vững và các nền tảng dữ liệu tích hợp cải thiện quy hoạch đô thị và dịch vụ công.

Bảy là, củng cố quyền sở hữu trí tuệ. Để khuyến khích đổi mới và sáng tạo nội dung số, Việt Nam nên củng cố quyền sở hữu trí tuệ. Điều này sẽ giúp bảo vệ tốt hơn những bằng sáng chế, bản quyền và nhãn hiệu, thu hút đầu tư vào công nghệ và ngành công nghiệp sáng tạo.

Tám là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Hợp tác với những tổ chức quốc tế, các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tư nhân có thể cung cấp thông tin và nguồn lực quý giá. Việt Nam hợp tác với các tổ chức khác để tận dụng kiến thức chuyên môn và đầu tư toàn cầu.

Với các chiến lược đúng đắn và liên kết các đối tác quốc tế, Việt Nam có thể tận dụng sức mạnh của số hóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo.

Vi Thanh Tuấn, Thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-duc-de-xuat-thuc-day-chuyen-doi-so-d202273.html