'Doanh nghiệp Đức muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam bất kể Covid-19'
Trưởng đại diện thương mại Đức nói Việt Nam có vị thế rất thuận lợi trong thu hút đầu tư. Ông tin tưởng nền kinh tế sẽ phục hồi tích cực từ mùa thu năm nay.
Vào giữa tháng 5, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) công bố khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức (AHK WBO). Theo đó, hơn 50% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam được lấy ý kiến tin rằng phục hồi kinh tế bền vững sẽ xảy ra ngay trong năm 2021.
Phần lớn doanh nghiệp Đức tại Việt Nam thể hiện sự lạc quan về nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Họ đánh giá tích cực và kỳ vọng vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tại Việt Nam, cũng như sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong 12 tháng tới.
Trong cuộc phỏng vấn với Zing, ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, giải thích về xu hướng này và phân tích các yếu tố chi phối hoạt động của các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
Lạc quan hơn về nền kinh tế Việt Nam
- Điều gì khiến các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam lạc quan hơn về tình hình phát triển kinh tế trong năm nay?
- Có ba yếu tố. Thực ra ngay từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khuôn khổ đầu tư của Đức và điều kiện đầu tư vào Việt Nam đã khá tốt, nhất là khi so sánh với các nước khác trong khu vực. Cách chính phủ Việt Nam ứng phó với các thách thức từ đại dịch cũng khá khả quan. Vì vậy, các công ty Đức thực sự tin tưởng vào chính phủ Việt Nam. Tôi nghĩ đây là một lý do.
Thứ hai, hiện nay Liên minh châu Âu và Việt Nam đã có thỏa thuận thương mại tự do, và Việt Nam là quốc gia thứ hai trong ASEAN ký kết thỏa thuận này, sau Singapore.
Điều này mang lại cho Việt Nam một vị thế rất thuận lợi, nhất là khi so sánh với các nước láng giềng trong ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia…
Ngoài ra, còn có một xu hướng khác mà chúng tôi gọi là "Trung Quốc+1". Rất nhiều công ty đa quốc gia, cũng như các công ty Đức, đã đầu tư vào Trung Quốc cách đây 15 hoặc 20 năm. Và đó là khoản đầu tư duy nhất của họ ở châu Á. Nhưng như vậy là không đủ. Các doanh nghiệp giờ đây phải đa dạng hóa các khoản đầu tư của mình.
Họ cần làm như vậy để phản ứng kịp thời trước các thách thức. Ngoài việc tiếp tục hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, họ cần lựa chọn một điểm đến khác ở châu Á, đặc biệt là ở ASEAN.
- Có thể gọi xu thế này là tái cấu trúc chuỗi cung ứng hay không?
- Đó là một phần của xu thế này. Đây cũng có thể coi là một kiểu tái cấu trúc, nhưng nghiêng về đa dạng hóa chuỗi cung ứng hơn. Mục đích là để giúp chuỗi cung ứng trở nên an toàn, bền vững và linh hoạt hơn.
Những rào cản đối với doanh nghiệp Đức
- Theo kết quả khảo sát, ba yếu tố lớn nhất cản trở sự tăng trưởng kinh tế của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam trong 12 tháng tới là nhu cầu thị trường, thiếu lao động chất lượng cao và chính sách kinh tế. Ông có thể làm rõ ba yếu tố này không?
- Đa phần hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Đức ở Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu bên ngoài Việt Nam, như các khách hàng ở Bắc Mỹ, Singapore, hoặc các đối tác trong ngành dệt may của chúng tôi ở châu Âu. Khi đại dịch xảy ra, nhu cầu thị trường không còn như trước nữa và đây chắc chắn là một thách thức.
Ngoài ngành dệt may, công nghiệp ôtô và toàn bộ ngành công nghiệp chế biến cũng phải chịu tác động xấu từ đại dịch.
- Yếu tố cản trở thứ hai là thiếu lao động chất lượng cao. Các doanh nghiệp Đức ở Việt Nam cần các lao động này trong những lĩnh vực nào?
- Khi một nhà đầu tư Đức đến Việt Nam, họ luôn có tầm nhìn đầu tư trong 25-30 năm tới, tức là trong dài hạn. Để đầu tư lâu dài, ngay từ đầu, các doanh nghiệp cần mua những thiết bị mới nhất, tốt nhất. Và để vận hành được những máy móc này, họ cần các lao động tay nghề cao đảm đương công việc hàng ngày, nhưng cũng cần có khả năng ứng phó với tình huống xảy ra sự cố.
Với những công việc như vậy, nhà tuyển dụng không cần lao động tốt nghiệp đại học hay lao động phổ thông. Họ cần lao động có hiểu biết cơ bản về các hệ thống kỹ thuật và điện tử để tránh sự cố gây tai nạn.
Nếu được đào tạo nghề tốt, công nhân chỉ cần đọc hướng dẫn trong một bảng nhỏ, chỉ một trang thôi, và thực hành theo những gì họ đã được học. Còn ở Việt Nam, thông thường các doanh nghiệp phải làm một cuốn sổ tay hướng dẫn 20 trang, theo quy trình từng bước một cách rất chi tiết.
- Vậy vấn đề ở đây là các doanh nghiệp cần lao động được đào tạo nghề tốt, hơn là cố có tấm bằng đại học?
- Chính xác. Đó là điều chúng tôi muốn nói với những người thợ lành nghề. Cái chúng tôi thiếu là lao động ở phân khúc trung bình, vì không thể chế tạo một chiếc ôtô với công nhân là những sinh viên tốt nghiệp đại học.
- Doanh nghiệp Đức có yêu cầu kỹ năng hoặc trình độ chuyên môn nào từ lao động khác với yêu cầu của các công ty Việt Nam hay không?
- Chắc chắn là có. Theo tôi, một doanh nghiệp Việt Nam thường không có chương trình đào tạo nghề riêng cho công nhân, vì họ không đóng vai trò một trường dạy nghề. Họ cũng không liên kết trực tiếp với các trường đào tạo nghề.
Còn đối với hệ thống của Đức, trong năm đầu tiên, các học viên đến công ty trong khoảng 1/3 thời gian. Và thời lượng này tăng dần lên qua các năm.
Vì vậy, khi hoàn thành khóa học, họ cơ bản đã hòa nhập được với doanh nghiệp và có thể bắt đầu làm việc luôn, vì họ đã thạo việc. Họ cũng biết cách thức hoạt động nội bộ của công ty.
Còn ở Việt Nam, khi một học viên tốt nghiệp cao đẳng nghề và bắt đầu làm việc tại một công ty, mọi thứ đối với họ đều mới mẻ. Họ phải học lại từ đầu.
- Về yếu tố cản trở lớn thứ ba - chính sách kinh tế - cụ thể có những quy định nào là rào cản cho các doanh nghiệp Đức ở Việt Nam?
- Rào cản là đương nhiên, vì khi hoạt động ở nước ngoài, mọi thứ sẽ không thể giống như ở Đức. Nhưng hiện tại, vấn đề lớn chúng tôi đang phải đối mặt là các quy định thay đổi rất nhanh và chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn. Vì vậy, chúng tôi không có đủ thời gian để chuẩn bị.
Ví dụ như các quy định phòng chống Covid-19 hiện nay. Dĩ nhiên đây là tình huống đặc biệt vì đại dịch bùng phát. Nhưng các quy định thay đổi theo ngày. Có thể từ 20h tối hôm nay cho tới sáng mai, quy định đã thay đổi… và các doanh nghiệp sản xuất của chúng tôi chỉ có 5 giờ đồng hồ để chuẩn bị và thích ứng với tình hình mới.
Nhưng đây là điều có thể hiểu được, trong bối cảnh chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết tâm vượt qua đại dịch.
Một ví dụ khác liên quan đến giấy phép lao động và thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo quy định, lao động nước ngoài tại Việt Nam cần có bằng đại học trở lên và ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực muốn làm việc ở Việt Nam. Hoặc họ cần ít nhất 5 năm kinh nghiệm và các chứng chỉ phù hợp với lĩnh vực làm việc ở đây.
Tuy nhiên, một số vị trí không trường lớp nào cấp bằng được. Đó là cái khó cho chúng tôi.
Tại Đức, ít nhất 50% tổng số học sinh trong một lớp học sẽ đi học nghề chứ không phải học đại học. Một số quản lý cấp cao làm việc rất hiệu quả, cống hiến 20 năm cho cùng một công ty, nhưng không có bằng đại học.
Tư duy coi trong bằng cấp, đúng chuyên ngành là không phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư Đức.
Trở ngại thứ ba là quy định cách ly nghiêm ngặt kéo dài 3 tuần hiện nay.
Các doanh nghiệp Đức, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần cử chuyên gia kinh tế và kỹ thuật riêng sang Việt Nam để thiết lập các nhà máy phù hợp với yêu cầu của họ.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là "xương sống" của nền kinh tế Đức, chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp ở Đức. Khoảng 44% công ty Đức xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác.
Quy định này có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhiều nhà đầu tư Đức. Một số doanh nghiệp phải hoãn kế hoạch đầu tư vì các chuyên gia không thể bay đến Việt Nam theo kế hoạch.
- Dựa trên quan sát và đánh giá của ông, nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi một cách bền vững sau bao lâu nữa?
- Theo tôi, từ mùa thu năm nay chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng trưởng lớn hơn. Châu Âu và Mỹ đều đã mở cửa trở lại nền kinh tế. Điều đó có nghĩa là nhu cầu thị trường cũng sẽ tăng.
Tôi cũng lạc quan rằng Việt Nam sẽ tìm ra những giải pháp hiệu quả thúc đẩy chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19, và từ đó dần dỡ bỏ các quy định phòng chống Covid-19.
- Kết quả khảo sát cho thấy hơn 47% doanh nghiệp Đức ở Việt Nam dự định đầu tư nhiều hơn trong 12 tháng tới. Trước xu hướng này, các nhà cung cấp Việt Nam có cơ hội mở rộng hợp tác với phía Đức không? Họ cần đáp ứng những yêu cầu gì?
- Điều đáng chú ý là các khoản đầu tư của Đức tại Việt Nam khá khác biệt so với các nhà đầu tư từ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.
Đối với các nhà đầu tư từ hai nước này, tỷ lệ các sản phẩm của Việt Nam trong chuỗi cung ứng, hay tỷ lệ nội địa hóa, là rất thấp, có lẽ chỉ vào khoảng 1,5-2%.
Nhưng đối với chúng tôi thì khác. Chiến lược của chúng tôi không phải là nhập khẩu 100% nguyên liệu và sử dụng nguồn gia công tương đối rẻ cho quy trình chế biến, rồi lại tái xuất khẩu 100% thành phẩm. Đó không phải là mô hình kinh doanh của chúng tôi.
Đối với các doanh nghiệp Đức, đặt chuỗi cung ứng ở Việt Nam là yếu tố đầu tư quan trọng thứ hai hoặc thứ ba trong các tiêu chí ưu tiên. Chúng tôi có kế hoạch đầu tư dài hạn và muốn hợp tác với các nhà cung cấp, cũng như khách hàng Việt Nam, tại những khu vực mà chúng tôi đầu tư.
Những gì chúng tôi cần ở các đối tác Việt Nam là sự hiểu biết về quy trình sản xuất và có các chứng chỉ quốc tế nhất định. Ngoài ra, các loại máy móc mà họ sử dụng, có thể không cần là loại hiện đại nhất, nhưng cần phù hợp với một số yêu cầu cụ thể của chúng tôi.
- Cuộc khảo sát này được thực hiện vào tháng 4, trước khi làn sóng Covid-19 mới bùng phát ở Việt Nam. Theo ông, nếu khảo sát được thực hiện bây giờ, kết quả có thay đổi không?
- Thực sự tôi không nghĩ vậy. Có lẽ phải làm lại khảo sát mới biết chắc chắn được, nhưng tôi nghĩ xu hướng chính vẫn là tâm thế lạc quan của doanh nghiệp.