Doanh nghiệp Đức thích nghi với môi trường đầu tư tại Việt Nam

Các doanh nghiệp Đức nhận thấy cả cơ hội lẫn rủi ro khi đầu tư tại Việt Nam. Họ vừa phải đối mặt với những thách thức nội địa, vừa hưởng lợi từ vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây là thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam từ Báo cáo Triển vọng kinh doanh toàn cầu AHK – Mùa xuân 2025. Bất chấp những gián đoạn toàn cầu liên tục, 54% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam kỳ vọng tình hình kinh doanh của họ sẽ được cải thiện trong năm tới.

Dù cuộc khảo sát được thực hiện vào thời điểm Mỹ công bố áp thuế mới, nhiều doanh nghiệp tham gia vẫn chưa đánh giá hết tác động tiềm ẩn của chính sách này. Tuy nhiên, kết quả khảo sát vẫn phản ánh sức hút bền vững của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu ngày càng biến động.

80% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh hiện tại của họ là “tốt” hoặc “đạt yêu cầu”, cho thấy môi trường hoạt động tương đối ổn định. Niềm tin cũng thể hiện qua các quyết định hướng tới tương lai: 38% doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư, trong khi 43% dự kiến tăng nhân sự trong năm 2025.

Những con số này tiếp tục khẳng định vai trò kép của Việt Nam: vừa là trung tâm sản xuất mạnh mẽ, vừa là điểm thay thế chiến lược cho các doanh nghiệp Đức đang tái định vị tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Còn nhiều khó khăn trong môi trường đầu tư

Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam vẫn đang điều chỉnh để thích nghi với bối cảnh địa phương phức tạp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Đức cho rằng, ngoài vấn đề thuế Mỹ, môi trường đầu tư vẫn còn đối mặt với các thách thức, đó là:

Nhu cầu biến động: Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự sụt giảm nhu cầu tại Mỹ, nhưng vẫn chịu tác động gián tiếp do phụ thuộc vào đối tác phục vụ thị trường này, gây khó khăn trong dự báo và kế hoạch mở rộng, nhất là trong sản xuất và thương mại.

Môi trường kinh tế và chính sách: Những thay đổi chính sách đột ngột và hệ thống pháp lý chưa rõ ràng khiến các quyết định dài hạn trở nên khó khăn hơn đối với doanh nghiệp nước ngoài.

Sự đối xử không công bằng trong thương mại: Một số công ty phải đối mặt với cạnh tranh không công bằng, khi doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi nhiều hơn. Ngoài ra, thuế nhập khẩu gia tăng cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa trực tiếp đến khách hàng nước ngoài và chịu toàn bộ chi phí logistics.

Những thách thức này càng trở nên nghiêm trọng hơn do sự đứt gãy chuỗi cung ứng và giá nguyên vật liệu thô tăng cao kể từ sau đại dịch.

Trên quy mô toàn cầu, các doanh nghiệp nhắc đến việc tách rời chuỗi cung ứng, xung đột thương mại và lạm phát là những trở ngại lớn, cùng với nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng và theo kịp làn sóng chuyển đổi do AI dẫn dắt. Một doanh nghiệp nhận định: “Xuất khẩu sang Mỹ của chúng tôi sẽ chịu tác động mạnh bởi các mức thuế mới” thể hiện tính liên kết chặt chẽ giữa hoạt động tại địa phương và các diễn biến toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đang dần thích nghi với môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đang dần thích nghi với môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Tuy vậy, với vị thế trung lập và là trung tâm sản xuất trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thực sự. Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) phát huy hiệu quả, ngày càng nhiều doanh nghiệp Đức mở rộng hiện diện tại Việt Nam, không chỉ xem đây là một thị trường tiêu thụ, mà là đối tác chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Phòng thương mại và công nghiệp Đức(AHK) Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA) cho biết hiện tại, Việt Nam là sự kết hợp giữa ổn định và cơ hội tăng trưởng. Với chiến lược phù hợp và các đối tác đúng đắn, doanh nghiệp Đức có thể biến những thách thức hiện tại thành lợi thế trong tương lai.

Thu Hòa

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/doanh-nghiep-duc-thich-nghi-voi-moi-truong-dau-tu-tai-viet-nam-325228.htm