Doanh nghiệp 'đứng ngồi không yên' vì USD
Những biến động tỷ giá gần đây đang khiến cộng đồng DN lo ngại, không ít đơn vị 'đứng ngồi không yên', đặc biệt là DN xuất nhập khẩu.
USD tự do tăng mạnh
Giá USD trên thị trường tự do sáng 11/3 mua vào khoảng 25.500 đồng/USD, chiều bán ra tăng tới 150 đồng, đưa giá bán chính thức cán mốc 25.700 đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm ở chiều bán nhưng tăng chiều mua. Vietcombank niêm yết giá mua - bán ở mức 24.500 - 24.840 VND/USD, tăng 30 đồng so với phiên trước. Hay tại VietinBank, chiều mua vào đang niêm yết tại 24.478 VND/USD, tăng 45 đồng nhưng chiều bán đang ở 24.818 VND/USD, giảm 35 đồng.
Chênh lệch mua - bán lên tới 340 đồng/USD. So với đầu năm, giá USD tại các ngân hàng tăng 390 - 400 đồng, thị trường tự do tăng cao hơn nhiều với mức từ 800 - 1.000 đồng. Hiện giá USD tự do đang cao hơn ngân hàng gần 900 đồng, gấp gần 3 lần khoảng cách của đầu năm.
Giới phân tích cho rằng, USD thị trường tự do tăng mạnh vì yếu tố mùa vụ và nhu cầu ngoại tệ bắt đầu tăng trở lại nhờ sự cải thiện ở nhóm hoạt động xuất nhập khẩu… Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, giá USD có thể liên quan đến diễn biến giá vàng.
Theo quan sát, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới càng lớn, (có thời điểm lên tới 20 triệu đồng/lượng) kích thích nhu cầu. Điều này khiến tỷ giá chợ đen lệch xa với tỷ giá liên ngân hàng.
Tỷ giá USD/VND tăng cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Từ đầu năm đến nay, một đơn vị sản xuất nhựa trên địa bàn Hà Nội đã "thấm" những thay đổi trong chi phí đầu vào khi nhập khẩu hạt nhựa.
Đại diện đơn vị này chia sẻ, hầu hết phải thanh toán bằng USD, kéo theo chi phí sản xuất lên khoảng 3 - 4%. Tuy nhiên sức mua đang yếu nên giá bán sản phẩm không tăng, nhiều hợp đồng đã ký trước đó với người mua hàng giá bán cũng thấp.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết đối với ngành thép, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chủ yếu là nhập khẩu, đặc biệt là quặng sắt, thép vụn phải nhập khẩu phần lớn.
“Biến động tỷ giá có ảnh hưởng rất lớn, bởi nguyên liệu về đến nơi thì giá tăng, làm cho giá thành sản xuất của DN tăng. Trong năm 2023, ngành thép khó khăn do nhu cầu trong nước thấp, xuất khẩu suy giảm, chi phí đầu vào tăng, nay tỷ giá tăng dẫn đến hiệu quả kinh doanh giảm xuống” - đại diện VSA lo ngại.
Tỷ giá tăng có thể khiến hoạt động kinh doanh của một số DN vay USD, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng. Cụ thể, các công ty có nợ vay bằng USD cao sẽ bị ảnh hưởng khi USD tăng giá dẫn đến lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái. Điều này sẽ làm sụt giảm lợi nhuận.
NHNN có thể cần sử dụng các công cụ như dự trữ ngoại hối hay đưa ra giải pháp mới quản lý thị trường vàng nhằm hạn chế đà mất giá của VND trong tháng 3. Đồng thời, cần kiểm soát một cách chặt chẽ để hạn chế dòng ngoại tệ chảy vào kênh giao dịch phi chính thức, qua đó tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ.
TS Nguyễn Trí Hiếu
Chênh lệch tỷ giá cũng khiến DN xuất khẩu khó xoay xở. Nguyên tắc các DN này được hưởng lợi từ yếu tố tỷ giá tăng, nhưng cũng phải dùng ngoại tệ để mua nguyên vật liệu đầu vào nên hưởng lợi từ tỷ giá USD/VND không đáng kể.
Như ngành dệt may, các DN xuất khẩu ngành này vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài với giá cao. Chẳng hạn, với Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, đa số vải đầu vào được nhập từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và 99% doanh thu của DN là từ gia công nên TNG phải tuân thủ yêu cầu về nhà cung cấp theo chỉ định của khách hàng.
Doanh nghiệp lo ứng phó
Một trong những công cụ mà các DN đang nghiên cứu là bảo hiểm tỷ giá, tức là bỏ ra một khoản chi phí để bảo đảm được tỷ giá. Là DN chuyên bán các loại thực phẩm nhập khẩu, để hạn chế các tác động của tỷ giá, Công ty CP Quốc tế Homefarm đã chủ động làm việc với đối tác. DN đặt mua trước các hợp đồng kỳ hạn theo giá cố định để có thể ổn định giá bán sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
"Chúng tôi sẽ ký hợp đồng tương đối dài hạn với các nhà nhập khẩu, hoặc các nhà sản xuất ở nước ngoài, ấn định một giá bán trong vòng 3 - 6 tháng. Nếu giả sử tỷ giá có tăng hay giảm cũng không ảnh hưởng tới giá nhập vào của chúng tôi" - Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Homefarm Trần Văn Trường chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Quốc Anh, chủ công ty sản xuất bao bì cho hay, để giải quyết khó khăn từ biến động giá cả, DN đã quyết định tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước; cắt giảm chi phí khấu hao không cần thiết; ứng dụng công nghệ để có thể vừa tăng sản lượng, vừa giữ giá thành sản phẩm và giữ giá cho khách hàng. Một số DN khác chia sẻ kinh nghiệm, chỉ nên vay ngoại tệ khi khả năng sinh lời vượt trội so với tổn thất.
Về lâu dài, để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, DN cũng có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như: mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP), bảo đảm cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học.
DN nên lựa chọn các ngân hàng có khả năng cung ứng cũng như tư vấn tốt nhất cho các sản phẩm tài trợ thương mại, đồng thời đàm phán thỏa thuận với khách hàng để sử dụng các đồng tiền thanh toán có lợi hơn cho DN.
Ngân hàng Nhà nước đã hành động?
Diễn biến tỷ giá tự do đang trái chiều với thị trường chính thức. Một số ý kiến cũng cho rằng nếu không kiểm soát tốt sẽ kích hoạt hiện tượng gom USD trong ngân hàng thương mại rồi bán ra thị trường phi chính thức để ăn chênh lệch tỷ giá.
Trên thực tế, hiện tượng này không phải là mới và đã từng được báo chí phản ánh rất nhiều, đặc biệt là thời điểm cuối tháng 9/2022. Khi đó, chênh lệch giữa giá USD bán tại ngân hàng và mua tại "chợ đen" dao động trong khoảng 355 đồng. Hiện, giá mua vào - bán ra USD tại các ngân hàng cũng có mức chênh lệch cao, lên 300 - 340 đồng/USD, mỗi USD giao dịch mang lại mức lời tương ứng 1,4%.
Về phía cơ quan quản lý, các chuyên gia cho rằng, tấm đệm dự trữ ngoại hối được duy trì ở mức trên 100 tỷ USD. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong những năm qua đã rất linh hoạt trong điều hành tỷ giá. NHNN có thể điều hành linh hoạt hoạt động mua bán tín phiếu qua hình thức đấu thầu nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống cũng như hút bớt thanh khoản ở thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá.
Phiên giao dịch 11/3, NHNN đã chào bán tín phiếu trở lại sau hơn 4 tháng tạm dừng. Nhà điều hành tiền tệ đã hoàn thành đợt phát hành gần 15.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất, phiên ngày 11/3.
Sau động thái đấu thầu tín phiếu, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng chưa thay đổi. Lãi suất qua đêm VND vẫn ở mức thấp (0,77%), qua đó chênh lệch lãi suất VND và USD gần như không đổi so với trước khi NHNN gọi thầu tín phiếu. Điều này phần nào cho thấy thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng vẫn đang dồi dào.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, quá trình hút tiền, nhằm hút bớt thanh khoản, giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn. Hoạt động bơm, hút tiền qua kênh tín phiếu là nghiệp vụ thông thường của NHNN tác động đến lượng tiền trên thị trường liên ngân hàng (nơi các ngân hàng cho vay lẫn nhau), không lưu thông trên thị trường dân cư.
Mục đích phát hành tín phiếu của NHNN là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và lượng hút cũng không quá nhiều gây căng thẳng thanh khoản và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất thị trường 1. Cũng cần lưu ý rằng, nghiệp vụ phát hành tín phiếu kỳ hạn là nghiệp vụ hút VND tại thời điểm hiện tại và sẽ bơm lại sau khi đáo hạn.
Lần gần nhất nhà điều hành hút tiền qua kênh tín phiếu là vào giai đoạn tháng 9/2023 đến tháng 11/2023, trong bối cảnh tỷ giá USD/VND chịu nhiều áp lực.
Nếu tỷ giá VND/USD có thể giữ tương đối ổn định, tăng dưới 2% sẽ không tác động quá nhiều, đồng thời hỗ trợ cho xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá sâu.
Còn khi tỷ giá bị mất giá trên 3%, điều này sẽ tác động đối với nền kinh tế khi mà các DN xuất nhập khẩu gặp bất lợi hơn về mặt chênh lệch tỷ giá và có thể sẽ bị hạch toán lỗ do chênh lệch tỷ giá.
Ngoài ra, tỷ giá cao cũng làm ảnh hưởng tới việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài thường muốn tỷ giá được ổn định.
Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty CP Chứng khoán VPBank
Trần Hoàng Sơn
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-dung-ngoi-khong-yen-vi-usd.html