Doanh nghiệp được tạo điều kiện bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực
Những năm qua, Thanh Hóa đã tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển và xem đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc bổ sung nguồn lực cho tăng trưởng. Điển hình như đối với doanh nghiệp tư nhân, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và tổ chức đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Để khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cần sự vào cuộc, “tiếp sức” của chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh. Trong đó, một trong những khó khăn nhất hiện nay là lãi suất ngân hàng ở một số lĩnh vực còn cao; thủ tục thẩm định khắt khe. Việc áp dụng quy định phòng cháy, chữa cháy mới khiến các doanh nghiệp chưa kịp thích nghi và gặp nhiều khó khăn trong lộ trình khắc phục.
Ngoài những nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp, doanh nghiệp rất cần các ngân hàng có chính sách tháo gỡ các khó khăn về tín dụng, như khoanh nợ cho doanh nghiệp, giải ngân 1 phần vốn để trả nợ quá hạn, giảm bớt các điều kiện tín dụng giúp doanh nghiệp tiếp cận với vốn vay…Đề nghị tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng khu công nghiệp, nhất là hạ tầng phòng cháy, chữa cháy; đánh giá, phân loại cơ sở nguy cơ cao, nguy cơ thấp, ít nguy cơ về cháy nổ, có lộ trình cụ thể, hướng dẫn thực hiện quy trình, hồ sơ phòng cháy, chữa cháy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục các thiếu sót về tiêu chí, quy định phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tôi tin tưởng với sự vào cuộc kịp thời của lãnh đạo tỉnh, của các cấp, các ngành, doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh.