Doanh nghiệp được trợ lực vẫn nơm nớp nhiều nỗi lo

Tác động từ chính sách miễn giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất…; những vướng mắc, rào cản về pháp lý được Chính phủ tháo gỡ kỳ vọng sẽ tiếp tục kích thích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi hoàn toàn.

Khó chồng khó

Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony Phạm Quang Anh chia sẻ, Chính phủ vừa cho phép giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023, việc này sẽ giúp cho doanh nghiệp có dòng tiền mặt để xoay vòng vốn.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do đơn đặt hàng mới sụt giảm mạnh, thị trường bị thu hẹp. Ảnh: Hải Linh

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do đơn đặt hàng mới sụt giảm mạnh, thị trường bị thu hẹp. Ảnh: Hải Linh

Tuy nhiên, điều doanh nghiệp lo nhất hiện nay là hoàn thuế VAT. Hiện công ty có 2 mảng sản xuất, kinh doanh là nội địa và xuất khẩu. Nội địa thì được miễn thuế VAT nhưng xuất khẩu thì hoàn thuế VAT, nhưng từ năm ngoái đến năm nay rất khó. Nguyên nhân là do các thủ tục rườm rà, thậm chí gây khó cho doanh nghiệp.

Ngoài vấn đề về vốn, thuế VAT, cộng đồng doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ về xúc tiến thương mại. Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa, trong bối cảnh thị trường bị co hẹp, doanh nghiệp muốn mở rộng ở các thị trường ngách nên cần thiết lập kênh kết nối định kỳ với cơ quan thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước. Kênh kết nối sẽ thúc đẩy sự tăng cường hợp tác, đầu tư, giao thương Việt Nam với nước ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần được tư vấn qua công cụ trực tuyến khi xuất khẩu sang các thị trường.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả việc liên kết giữa các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát huy thế mạnh từng địa phương. Đặc biệt, doanh nghiệp cần quan tâm hỗ trợ tham gia các hội chợ, nhất là hội chợ chuyên ngành trong và ngoài nước.

Cần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước. Ảnh minh họa

Cần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước. Ảnh minh họa

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), chỉ có khoảng 38% - 45% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn tín dụng. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được vốn đều gặp trở ngại về các điều kiện, thủ tục vay vốn của ngân hàng. Vì thế, đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa phải ngừng hoạt động hoặc giải thể do không có nguồn lực tài chính để tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng: Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, có giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có nguồn lực đầu tư hệ thống sản xuất, kinh doanh.

Nắm bắt thị trưởng, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước

Đánh giá cao về chính sách của dành cho doanh nghiệp, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định: Về cơ bản, tác động của các chính sách đang theo chiều hướng rất tốt.

Cụ thể, đồng tiền của Việt Nam vẫn đang ổn định, đây là cơ hội cho sản xuất cũng như xuất nhập khẩu. Lãi suất tín dụng đang hạ một cách tương đối nhanh chóng, việc này góp phần kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chính phủ cũng vừa ban hành việc giãn, hoãn thuế VAT, tiền thuê đất, đồng thời đề nghị với Quốc hội giảm 2% thuế VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ. Nếu Quốc hội thông qua, quyết sách này sẽ kích thích tiêu dùng trong nước, kích thích cho sản xuất do yếu tố đầu vào cho sản xuất giảm.

Khuyến nghị về giải pháp, PGS.TS Định Trọng Thịnh cho rằng cần nắm bắt lại thị trường trong nước, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước. Với tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng trong quý I/2023 là 15% cho thấy tốc độ tiêu dùng của người dân Việt Nam đang tăng trưởng mạnh.

Do đó, các doanh nghiệp cần coi việc nắm bắt thị trường Việt Nam là chiến lược, là cứu cánh cho mình. Đây cũng là giải pháp để các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP từ nay đến cuối năm.

Ngoài ra, việc liên kết giữa các doanh nghiệp, ngành nghề cần đi vào nề nếp để hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Bài toán chuỗi sản xuất kinh doanh và công nghiệp hóa nông nghiệp phải đi liền với nhau, khi đó giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Khẳng định việc tiếp cận thông tin chính sách là rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp, Trưởng Ban Pháp chế - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, các cơ quan nhà nước cần công khai rộng rãi các chính sách, quy định để các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuận lợi trong tiếp cận thông tin.

Trong quá trình này, các cơ quan chức năng cần vận hành hiệu quả đường dây nóng và hòm thư điện tử để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để điều chỉnh kịp thời các quy định, chính sách. Song song thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được xây dựng ngay từ bây giờ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP, có hiệu lực từ ngày 21/4/2023.

Nghị quyết số 58 đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong ngắn hạn như: Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; Khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước…

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-duoc-tro-luc-van-nom-nop-nhieu-noi-lo.html