Doanh nghiệp 'ém' quỹ bình ổn xăng dầu, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 105 tỷ đồng
Cơ quan điều tra xác định, Công ty không trích lập và sử dụng tiền quỹ theo đúng quy định pháp luật. Theo các thông báo điều hành xăng dầu của Liên Bộ Tài chính – Công thương, đối chiếu với lượng xăng dầu xuất bán thì Công ty Bách Khoa Việt có nghĩa vụ phải trích lập quỹ BOG và nộp vào tài khoản tiền gửi hơn 188 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty chỉ nộp hơn 155,7 tỷ đồng...
Ngày 30/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành Kết luận điều tra vụ án đưa nhận hối lộ liên quan đến việc cấp giấy phép xăng dầu tại Bộ Công thương và một số công ty, đơn vị liên quan.
Cơ quan điều tra đề nghị truy tố ông Nguyễn Lộc An, cựu Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về tội Nhận hối lộ; đề nghị truy tố Nguyễn Tuấn Quỳnh, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Long Hưng về tội Đưa hối lộ.
Hai bị can Trần Trác Việt Đức, Giám đốc; Đỗ Thị Tuyết Nga Kế toán trưởng Công ty Bách Khoa Việt bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ BOG
Theo kết luận điều tra, Công ty Cổ phần Thương mại Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bách Khoa Việt thành lập năm 2007. Năm 2018, công ty có vốn điều lệ 468 tỷ đồng trong đó Trần Trác Việt Đức sở hữu 93,58% vốn. Công ty kinh doanh chính là bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan. Năm 2015, Công ty Bách Khoa Việt xin cấp giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu.
Năm 2016, công ty gửi hồ sơ lên Bộ Công thương. Thời điểm này, công ty chưa đáp ứng các điều kiện kho xăng dầu, cầu cảng chuyên dụng, phương tiện vận tải, hệ thống tổng đại lý, đại lý bán lẻ…
Để đáp ứng các điều kiện trên, công ty đi gặp, liên hệ với các cửa hàng, đại lý để ký hợp đồng với hứa hẹn sẽ chiết khấu lớn, được dư nợ nhiều hơn và đảm bảo nguồn cung khi thời điểm khan hàng.
Thực tế, chỉ có một số cửa hàng, đại lý được công ty này cung cấp, bán hàng, sử dụng dịch vụ. Nhiều cửa hàng, đại lý còn lại không có hoạt động kinh doanh với Công ty Bách Khoa Việt.
Ngoài việc hợp thức hệ thống đại lý bán lẻ xăng dầu, công ty còn hoàn thiện điều kiện về kho tiếp nhận xăng dầu, cầu cảng với Công ty cổ phần thương mại Hiệp Phước, thuê 2 bồn cùng hệ thống cầu cảng có trọng tải đến 20.000 DWT và hệ thống công nghệ.
Sau khi được cấp giấy phép kinh doanh, ngày 22/6/2016, Công ty Bách Khoa Việt mở tài khoản tiền gửi quỹ bình ổn giá xăng dầu (còn gọi là quỹ BOG) để hạch toán, theo dõi tiền quỹ BOG.
Từ ngày 6/6/2016 đến 12/3/2021 (thu hồi giấy phép kinh doanh), Công ty Bách Khoa Việt đã xuất bán tổng số hơn 10 triệu lít xăng RON95; hơn 22 triệu lít xăng RON92 và hơn 538 triệu lít dầu Diezel theo 6.925 tờ hóa đơn giá trị gia tăng.
Cơ quan điều tra xác định, Công ty không trích lập và sử dụng tiền quỹ theo đúng quy định pháp luật. Theo các thông báo điều hành xăng dầu của Liên Bộ Tài chính – Công thương, đối chiếu với lượng xăng dầu xuất bán thì Công ty Bách Khoa Việt có nghĩa vụ phải trích lập quỹ BOG và nộp vào tài khoản tiền gửi hơn 188 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty chỉ nộp hơn 155,7 tỷ đồng.
Theo các quy định, số tiền công ty được chi sử dụng quỹ BOG là hơn 81,5 tỷ đồng. Song công ty chi hơn 154 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 105 tỷ đồng.
Kết luận nêu rõ, ngày 1/2/2019, bị can Đức, giám đốc công ty và Nga, kế toán trưởng ký chứng từ chuyển 50 tỷ đồng từ tài khoản tiền gửi quỹ BOG sang tài khoản của Công ty Bách Khoa Việt rồi chuyển tiếp sang tài khoản khác để thanh toán các khoản vay.
Tiếp đó, các bị can ký chứng từ chuyển 25 tỷ đồng để thanh toán tiền mua dầu.
Ngoài ra, công ty không thông báo tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng thương mại mở tài khoản tiền gửi quỹ BOG đến Bộ Công thương.
Quá trình kinh doanh, công ty chỉ gửi Báo cáo tình hình trích lập, quản lý và sử dụng quỹ BOG xăng dầu được lập theo tháng, không gửi sao kê về các giao dịch phát sinh. Kết thúc năm tài chính, công ty và ngân hàng không tổng hợp báo cáo tình hình trích lập, sử dụng quỹ BOG, bảng tính toán chi tiết số lãi tiền gửi và số tiền lãi vay phát sinh, số dư quỹ…
Theo quy định, khi doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh thì phải nộp lại toàn bộ số dư quỹ BOG vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, công ty chỉ nộp hơn 1,6 tỷ đồng.
Do đó, cơ quan điều tra xác định, hành vi của các bị can Đức, Nga phạm vào tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí khiến nhà nước thiệt hại hơn 105 tỷ đồng.
VÌ SAO KHÔNG TRUY CỨU HÀNH VI ĐƯA HỐI LỘ?
Theo kết luận điều tra, quá trình kiểm tra thực tế trước khi cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu cho Công ty Bách Khoa Việt, ông Nguyễn Lộc An đã nhận số tiền 200 triệu đồng từ bà Trần Thị Loan Phương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Bách Khoa Việt) để hỗ trợ giúp công ty được cấp giấy phép sớm.
Cơ quan điều tra xác định, trước khi nộp hồ sơ đề nghị Bộ Công Thương thực hiện quy trình kiểm tra, cấp giấy phép kinh doanh xuất/nhập khẩu xăng dầu, theo gợi ý của An, bà phương đã chi cho An 9 tỷ đồng để được hướng dẫn hợp thức hồ sơ và không kiểm tra đầy đủ năng lực thực tế…
Cơ quan điều tra kết luận, hành vi của bà Phương phạm tội “Đưa hối lộ”. Tuy nhiên, bà Phương đã nhận thức được sai phạm, chủ động làm đơn tố giác, từ đó giúp cho việc khởi tố vụ án.
Vì vậy, căn cứ quy định tại khoản 7, Điều 364 Bộ luật Hính ự và áp dụng Nghị quyết 03 ngày 30/12/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao miễn trách nhiệm hình sự đối với bà Trần Thị Phương Loan, song cần tịch thu toàn bộ số tiền 9,2 tỷ đồng đưa hối lộ sung công quỹ Nhà nước.