Doanh nghiệp FDI ngành da giày chiếm hơn 77% tỷ trọng xuất khẩu
6 tháng đầu năm 2019, ngành da giày Việt Nam xuất khẩu 10,3 tỷ USD (8,5 tỷ USD từ xuất khẩu giày dép). Trong đó, khối doanh nghiệp FDI xuất khẩu gần 8 tỷ USD, chiếm 77%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày, túi xách của Việt Nam năm 2018 là 19,6 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017. Và 6 tháng đầu năm, con số này là 10,3 tỷ USD (trong đó, 8,5 tỷ USD từ xuất khẩu giày dép). Trong đó, khối doanh nghiệp FDI xuất khẩu gần 8 tỷ USD, chiếm 77%.
Năm ngoái, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam, đạt 7.1 triệu USD (chiếm 36.3% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành). Trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này gần 4 triệu USD, trong đó, giày dép đạt 3.2 triệu USD.
Kế đến, EU là thị trường xuất khẩu da giày đứng thứ hai của Việt Nam đạt trên 5.6 triệu USD năm 2018, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. 6 thán đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này hơn 2.8 triệu USD.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu đứng thứ 3 về giá trị ngành gia giày Việt Nam, đạt gần 1.7 triệu USD năm 2018, chiếm tỷ trọng 8.4%. Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu da giày sang Trung Quốc đạt trên 880 triệu USD.
Hiệp hội da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) mới chỉ có số liệu cập nhật tính đến cuối năm 2017, theo có, toàn ngành có 2.181 doanh nghiệp. 94.8% trong số này là doanh nghiệp dưới 3.000 lao động, còn 14 doanh nghiệp có trên 3.000 lao động hầu hết là doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, 8 tỉnh, thành phố phía Nam (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai,…) hiện chiếm 80% số doanh nghiệp và trên 80% kinh ngạch xuất khẩu ngành.
Ước tính nhu cầu tiêu thụ giày dép tại Việt Nam năm 2018 khoảng 180 triệu USD, các doanh nghiệp trong nước đáp ứng khoảng 40% nhu cầu, 60% nhu cầu còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Năm 2018, doanh nghiệp da giày Việt Nam chi hơn 155 triệu USD nhập khẩu máy móc và thiết bị cho sản xuất da giày, trong đó, lớn nhất là từ Trung Quốc (65 triệu USD), theo sau đó là Đài Loan với 41 triệu USD. Đây cũng là xu hướng trong nhập khẩu nguyên liệu sản xuất trong ngành khi theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm ngoái, Việt Nam chi khoảng 5,7 tỷ USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may và da giày (không bao gồm da thuộc). Trong đó, 60% nhập khẩu từ Trung Quốc, 20% từ Đài Loan.
Theo đại diện các doanh nghiệp da giày, cơ hội vô cùng lớn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được ký kết. Đây là điều mà hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều biết đến nhưng thách thức còn hơn cơ hội.
"Doanh nghiệp đều biết muốn làm ăn lớn phải cân đối hiệu quả các nhóm chi phí, đầu tư công nghệ, quản trị và phát triển bền vững nhưng nói thật là lực bất tòng tâm bởi nguồn lực yếu”, đại diện một doanh nghiệp da giày chia sẻ tại đại hội nhiệm kỳ VII 2019-2024 của Lefaso vừa tổ chức tại TP.HCM.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da Giày TPHCM cho biết, vừa đón một số doanh nghiệp Hồng Kông và Đài Loan đến gặp và đặt đơn hàng với các doanh nghiệp da giày Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn lực hạn chế khiến hai bên không thể hợp tác.
“Doanh nghiệp mình mặt bằng còn nhỏ, thiếu nguyên phụ liệu mà giá cả chưa cạnh tranh. Tôi nói với họ, giá sản phẩm Việt Nam cao hơn Trung Quốc là đương nhiên, bởi phải nhập nguyên phụ liệu, năng suất lao động thấp, thiếu công nghệ hỗ trợ”, ông Nguyễn Văn Khánh nói và chia sẻ, EVFTA được kỳ vọng như tuyến cao tốc hai chiều nối Việt Nam với thị trường EU.
Với doanh nghiệp da giày, thách thức lớn hơn cơ hội. Bởi, quy mô siêu nhỏ và nhỏ rất khó để bước lên được đường cao tốc và cả ngành, cần có kế hoạch “dìu dắt” các đơn vị này.