Doanh nghiệp FDI tại TP. HCM thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng vì Covid-19
Ngày 20/8, UBND TP. HCM đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP. HCM và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ khó khăn trong thực hiện '3 tại chỗ'; không đảm bảo nguồn nhân lực để duy trì hoạt động sản xuất.
Toàn cảnh Hội nghị ngày 20/8.
Đây là hội nghị nhằm chia sẻ, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn của DN có vốn nước ngoài trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng thời để TP đồng hành cùng doanh nghiệp triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại.
Khó khăn thực hiện "3 tại chỗ"
Tại Hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp FDI đã có ý kiến về việc gặp nhiều khó khăn trong thực hiện "3 tại chỗ"; không đảm bảo nguồn nhân lực để duy trì hoạt động sản xuất.
Đại diện Công ty Datalogic Việt Nam thông tin, đến ngày 20/8 chỉ có 502/831 người đang làm việc theo mô hình “3 tại chỗ” và “2 địa điểm, 1 cung đường”; Doanh số công ty đã sụt giảm từ 18,5 triệu USD trong tháng 6 xuống 11 triệu USD trong tháng 7 vừa qua.
Ông Trần Tiến Phát, Tổng giám đốc Công ty Datalogic Việt Nam khẳng định đây là sự sụt giảm không theo quy tắc vì những lao động bị thiếu là công nhân có tay nghề cao, dây chuyền sản xuất không thể dễ dàng điền người khác vào trong thời gian ngắn. Người có kinh nghiệm thường là người có gia đình và họ không thể bỏ cha mẹ già hay con trẻ để vào nhà máy làm việc theo mô hình “3 tại chỗ”.
Mô hình sản xuất "3 tại chỗ" kéo dài làm cho nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Intel Việt Nam và Malaysia cho biết chi phí dành cho phương án "2 địa điểm, 1 cung đường" của doanh nghiệp trong thời gian qua đã phát sinh 140 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách và kế hoạch sản xuất của công ty trong dài hạn.
Nhiều đối tác đã hủy đơn hàng để chuyển sang các nhà máy tại Mexico hay Ấn Độ, giá trị hợp đồng mất khoảng 200 triệu USD, dẫn đến rủi ro thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam.
Đại diện Công ty Jabil Việt Nam, ông Lê Hữu Bình cũng cho biết chi phí phát sinh khi thực hiện "2 địa điểm, 1 cung đường" trung bình mỗi ngày là 4 tỷ đổng, tương đương 120 tỷ đồng mỗi tháng.
Bên cạnh những nhà máy sản xuất, nhiều tập đoàn bán lẻ dù không áp dụng "3 tại chỗ" cũng đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến nhân lực.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho biết, hiện có nhiều người lao động do đang sinh sống trong các vùng cách ly y tế, bị nghi nhiễm Covid-19, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực vận hành hoạt động kinh doanh hàng ngày và thiếu hụt lực lượng giao hàng. Bên cạnh đó là các khó khăn trong việc giao hàng liên quận.
Chủ tịch Eurocham, ông Gabor Fluit đưa ra đề nghị sửa đổi mô hình "3 tại chỗ" theo hướng phù hợp và hiệu quả hơn. Ví dụ cho phép công nhân được luân chuyển và kiểm soát dịch bằng cách test PCR trước khi vào, ra nhà máy. Về vấn đề vaccine, hiệp hội này khuyến nghị cần tiêm vaccine diện rộng, ưu tiên ngành logistics để giúp các cảng có đủ công nhân bốc xếp, giải tỏa cảng nhanh.
Linh hoạt nguồn và ưu tiên tiêm vaccine
Trước những khó khăn do dịch Covid-19, đại diện nhiều doanh nghiệp mong muốn TP. HCM tiếp tục ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động để sớm có miễn dịch cộng đồng, tạo ra khu vực sản xuất xanh và kéo năng suất sản xuất trong quý 4 của các doanh nghiệp đi lên.
Ông Furusawa Yasuyuki kiến nghị TP. tiếp tục hỗ trợ ưu tiên phân bổ và tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động đang làm việc tại các hệ thống bán lẻ phân phối hàng hóa thiết yếu; kiến nghị các cơ quan và đơn vị y tế giảm giá dịch vụ xét nghiệm cho nhân viên...
Đại diện Amcham đề nghị TP cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo có thể duy trì sản xuất và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở lại các hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng tổng thể của Việt Nam - trong nước và toàn cầu.
Bà Mary Tarnowka, người đại diện Amcham kêu gọi tập trung phân phối vaccine đến các tâm điểm bùng phát dịch hiện tại, đặc biệt là TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận, những địa điểm có nhiều hoạt động sản xuất hàng hóa giá trị cao của Việt Nam.
Bà Mary Tarnowka cũng khuyến nghị cho phép các bệnh viện phòng khám được phép phân phối vaccine tại cơ sở của mình và có thể tính phí hành chính hợp lý.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore (SBG) - ông Seck Yee Chung - cũng cho rằng cần thống nhất tiêu chuẩn về kết quả xét nghiệm Covid-19 và thời gian có hiệu lực của chứng nhận xét nghiệm giữa TP.HCM và các tỉnh thành khác để đảm bảo thông suốt về lưu thông hàng hóa.
Tất cả vì an toàn cộng đồng
Ghi nhận những ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong mong muốn các doanh nghiệp FDI kiên trì và đặt niềm tin vào công tác phòng chống dịch của TP. Đồng thời, ông khẳng định TP luôn chia sẻ và tìm mọi cách để hỗ trợ doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TP. HCM chia sẻ với những ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt người dân, hoạt động sản xuất, môi trường đầu tư... do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phong, vì an toàn cộng đồng buộc phải triển khai.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. HCM.
Liên quan đến mô hình sản xuất "3 tại chỗ", Chủ tịch Nguyển Thành Phong cho biết, ban đầu TP triển khai phương thức này với mong muốn thực hiện các công tác phòng chống dịch trong một thời gian ngắn để giảm số lượng ca nhiễm giữa cộng đồng.
Tuy nhiên, khi áp dụng kéo dài, nhiều doanh nghiệp đã phát sinh một số vấn đề cần phải tháo gỡ.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, các doanh nghiệp có thể sáng tạo nhiều phương thức với mục tiêu làm sao đảm bảo an toàn sản xuất, phải bảo vệ sức khỏe người lao động, bảo vệ sản xuất cũng như các hợp đồng đã ký kết.
Về vấn đề tiêm vaccine, Chủ tịch UBND TP. cho biết đã tiêm cho toàn bộ người lao động tại các khu công nghiệp. Cụ thể, đối với các KCN, KCX là 286.000 lao động và 3.000 chuyên gia.
Theo ông, tốc độ tiêm vaccine hiện nay của TP trong điều kiện giãn cách xã hội có thể lên đến 300.000 liều/ngày. Mục tiêu của TP là hết quý III tỷ lệ tiêm đạt 70% nhóm dân số từ 18 tuổi trở lên, bất kể là làm việc trong lĩnh vực nào.
"Chủ trương TP là tiêm vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp trong KCN, KCX là 85%. Do vaccine AstraZeneca cần có thời gian để phát huy tác dụng nên sẽ có kế hoạch tiêm đợt 2 cho số lao động 85% của những người đã được tiêm đợt 1", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Về một số đề xuất của các doanh nghiệp vượt quá thẩm quyền của UBND TP., Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, TP. đã có văn bản đề xuất gửi đến Thủ tướng Chính phủ. TP. cam kết đeo bám những vấn đề đã đề xuất để tháo gỡ cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp FDI.
Liên quan đến vận chuyển hàng hóa, ông khẳng định không phân biệt hàng hóa có thiết yếu hay không, chỉ cần không vận chuyển hàng hóa cấm lưu hành. TP vẫn đảm bảo vận chuyển hàng hóa trong khung thời gian từ 6h đến 18h hàng ngày.
Chủ tịch UBND TP. HCM khuyến khích các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đề xuất thêm mô hình tổ chức sản xuất an toàn, đảm bảo các quy định về chống dịch, tiếp tục đồng hành cùng lãnh đạo TP trên con đường xây dựng TP. HCM phát triển.