Doanh nghiệp gạo trong tình cảnh 'bán giá thấp, nhưng mua cao'

Kết quả bán hàng trong nửa đầu tháng 8-2023 cho thấy bình quân giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng đáng kể so với tháng trước đó. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế diễn ra, thì doanh nghiệp ngành hàng này đang phải chịu lỗ khá nặng nề.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo chịu lỗ nặng do ký hợp đồng bán giá thấp, nhưng mua giá cao. Ảnh: Trung Chánh

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo chịu lỗ nặng do ký hợp đồng bán giá thấp, nhưng mua giá cao. Ảnh: Trung Chánh

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 8-2023, tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 456.768 tấn, với trị giá đạt trên 266 triệu đô la Mỹ. Điều này cho thấy, giá xuất khẩu gạo bình quân trong giai đoạn này là trên 582 đô la Mỹ/tấn, tức tăng đáng kể so với con số 543 đô la Mỹ/tấn của tháng 7 và 534 đô la Mỹ/tấn của 7 tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, nếu so với mức giá bình quân của 3 chủng loại gạo xuất khẩu phổ biến của Việt Nam là gạo trắng 5% tấm, 25% và gạo thơm, thì mức giá xuất khẩu bình quân trong nửa đầu tháng 8-2023 thấp hơn rất nhiều so với giá chào bán của doanh nghiệp trong khoảng thời gian này.

Cụ thể, tại thời điểm ngày 1-8-2023, bình quân giá chào xuất khẩu của 3 loại gạo nêu trên đạt mức 614 đô la Mỹ/tấn; mức giá bình quân ghi nhận tại ngày 10-8-2023 là 668 đô la Mỹ/tấn và tại ngày 15-8-2023 là 658 đô la Mỹ/tấn.

Trao đổi với KTSG Online, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam (xin không nêu tên), cho biết khối lượng gạo xuất khẩu được ghi nhận trong nửa đầu tháng 8-2023 như nêu trên là của những hợp đồng được các doanh nghiệp ký với đối tác từ những tháng trước đó. “Dĩ nhiên, mức giá lúc này còn thấp vì chưa chịu tác động tăng đột biến từ việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo (từ ngày 20-7-2023 – PV)”, vị này giải thích.

Theo vị doanh nghiệp này, thời điểm trước ngày 20-7, thị trường lúa gạo nội địa cũng chưa có sự biến động mạnh so với thời điểm từ sau ngày 20-7 đến nay.

Theo đó, giá gạo thành phẩm không bao bì, giao tại mạn tàu trong tuần từ ngày 13 đến 20-7 đối với chủng loại 5% tấm là 11.800-11.900 đồng/kg, thì đến tuần từ ngày 3 đến 10-8 là 14.400-14.800 đồng/kg và trong tuần từ ngày 10 đến 17-8 là 14.500-14.600 đồng/kg.

Còn đối chủng loại gạo 25% tấm, trong tuần từ ngày 13 đến 20-7 có giá là 10.900-11.500 đồng/kg, thì đến tuần từ ngày 3 đến 10-8 là 13.800-14.250 đồng/kg và ở tuần từ ngày 10 đến 17-8 là 13.500 đến 14.200 đồng/kg.

Doanh nghiệp ngành gạo khi ký hợp đồng xuất khẩu, thì lượng chân hàng tồn kho không có hoặc có rất ít, dẫn đến phải mua gạo ở thời điểm giá tăng cao như nêu ở trên để thực hiện cho đơn hàng ký trước đó. Điều này, khiến doanh nghiệp ngành gạo đang chịu cảnh lỗ lã rất lớn.

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty lương thực Phương Đông (ORICO) thừa nhận, bài toán khó lâu nay các doanh nghiệp chưa có “lời giải” là năng lực tài chính để trang bị đủ nguồn hàng cho việc kinh doanh, thường ở mức 50-60% “chân hàng” đã được xem là lý tưởng.

Một thực trạng đã tồn tại lâu nay, theo ông Việt Anh, lúa gạo bị sang tay quá nhiều, doanh nghiệp không lấy được hàng, giá bị đẩy lên nhiều lần trong ngày, dẫn đến đứt gãy nguồn hàng và doanh nghiệp không có hàng để giao cho các hợp đồng.

KTSG Online đã dẫn thông tin từ một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, đơn vị nào “xù” hợp đồng để bán cho đơn hàng mới, thì có thể “sống sót”, đạt lợi nhuận, nhưng con số này là không nhiều. Bởi lẽ, doanh nghiệp uy tín không thể “xù” hợp đồng. “Đa số sẽ chịu đựng lỗ do giá hợp đồng cũ ký thấp trong khi giá biến động rất lớn”, vị này cho biết.

Được biết, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang “đàm phán lại giá” của những hợp đồng đã ký kết trước đó đối với các nhà nhập khẩu đến từ Philippines và Indonesia…, nhằm thu hẹp biên độ lỗ.

Rõ ràng, để biết chính xác hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp ra sao, thì phải chờ vào báo cáo tài chính chính thức. Tuy nhiên, qua diễn biến thực tế, chắc chắn sẽ có không ít đơn vị rơi vào cảnh lỗ nặng vì ký bán giá thấp, nhưng mua gạo thực hiện hợp đồng giá cao.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-gao-trong-tinh-canh-ban-gia-thap-nhung-mua-cao/