Doanh nghiệp gặp khó khi giá nguyên vật liệu, phí vận chuyển tăng cao

Hơn 2 năm kể từ ngày 29/3/2020, giá xăng tăng phi mã hơn 2,5 lần, kéo theo đó là giá nguyên vật liệu, các loại dịch vụ cung cấp, vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng cũng tăng tương ứng, đã khiến các doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh (SXKD).

Giá nguyên vật liệu tăng cao, hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Đúc kim loại HMDC, xã Quất Lưu (Bình Xuyên) gặp nhiều khó khăn

Giá nguyên vật liệu tăng cao, hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Đúc kim loại HMDC, xã Quất Lưu (Bình Xuyên) gặp nhiều khó khăn

Theo ông Đặng Đình Dinh, Giám đốc Công ty TNHH Đúc kim loại HMDC, xã Quất Lưu (Bình Xuyên), xăng dầu tăng giá khiến cho chi phí vận chuyển tăng cao, giá nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng ít nhất 30%, có mặt hàng tăng đến 60%, khiến đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất. Riêng giá nguyên vật liệu đầu vào chỉ trong 6 tháng gần đây đã tăng 3 lần, so với lần tăng gần nhất cách đây hơn 1 tháng thì giá đã tăng gấp đôi, trong khi giá thành sản phẩm vẫn giữ nguyên.

Vừa ổn định SXKD được vài tháng thì với đợt tăng giá vừa qua, khiến tình hình tài chính của đơn vị đã gần như kiệt quệ. Để “tự cứu mình”, toàn bộ đội ngũ quản lý phải họp khẩn, bàn phương án cải tổ DN, tiến hành tự động hóa đến mức tối đa để tiết kiệm điện và nhân công; cùng với đó là cắt nguồn kinh phí makerting…

Tại thời điểm giá xăng chưa tăng, đơn vị tạo việc làm cho trên 40 lao động với thu nhập ổn định hằng tháng, thì nay phải rút xuống dưới 30 lao động. Nguyên liệu tốt chính là nền tảng của sản phẩm, vì vậy, để đảm bảo chất lượng, giữ chữ tín với đối tác, DN đôi khi phải “năn nỉ” các nhà cung ứng chia sẻ với đơn vị về giá thành nguyên liệu sản xuất. Với tình hình như hiện nay, DN lo lắng mọi thứ sẽ vượt tầm kiểm soát nếu Chính phủ không có biện pháp sớm bình ổn giá xăng dầu.

Qua tìm hiểu được biết, nỗi lo thường trực của các DN sản xuất hiện nay là giá thành nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao sẽ làm đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các hợp đồng với đối tác. Điều đó đồng nghĩa với việc DN phải bồi thường chi phí theo hợp đồng đã ký.

Anh Tạ Văn Thắng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Vĩnh Phúc, phường Xuân Hòa (Phúc Yên) cho biết: “Giá các loại nguyên vật liệu tăng khiến cho chi phí sản xuất của đơn vị cũng phải tăng theo nhưng giá thành sản phẩm không thể tăng do các đơn hàng đã ký với đối tác từ trước đó.

Không còn cách nào khác, công ty phải thương thảo lại với phía đối tác hoặc chấp nhận bỏ thêm chi phí để hoàn thành sản phẩm. Trước mắt, để giải bài toán về nguồn vốn, công ty đàm phán với các ngân hàng thương mại để tăng hạn mức vốn lưu động; chủ động tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu, dịch vụ vận chuyển hàng hóa dài hạn.

Cùng với đó, tiến hành cơ cấu lại danh mục sản phẩm thế mạnh để có thể mua được nguyên vật liệu với giá thành hợp lý, góp phần tối ưu hóa chi phí sản xuất. Đặc biệt, cần dự báo đúng để chuẩn bị nguồn cung nguyên liệu, có kế hoạch dự phòng để duy trì sản xuất.

Ngoài ra, đơn vị cũng tiến hành liên kết với các DN cùng lĩnh vực tìm kiếm, mua chung nguyên vật liệu với số lượng lớn; xây dựng kế hoạch dài hơi, đầu tư vào chuyển đổi số, góp phần tiết kiệm thêm chi phí, giảm hao hụt và tiết giảm nhân công lao động”.

Trước những biến động của nền kinh tế, các DN sản xuất hiện nay cần có chiến lược thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thì mới có thể tồn tại và phát triển.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Sông Phan, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) cho biết: Là DN chuyên sản xuất hàng phụ kiện cơ khí cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, vừa qua, do giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, một số đơn hàng xuất khẩu của đơn vị cũng bị đình trệ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động SXKD.

Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, công ty đã chủ động đàm phán với các nguồn cung cấp nguyên vật liệu khác nhau để tìm được tiếng nói chung trong giảm giá thành và chi phí phát sinh khác.

Đẩy mạnh sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh; cắt giảm chi phí sản xuất, có cơ chế khuyến khích công nhân tăng ca để đáp ứng đủ cho những đơn hàng đã ký trước đó.

Thường xuyên khảo sát nhu cầu của thị trường trong và người nước để xây dựng chi tiết kế hoạch SXKD với từng dòng sản phẩm. Bên cạnh đó, bắt tay với các DN khác trợ giúp nhau về máy móc, thị trường tiêu thụ… để cùng phát triển.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, hiện nay công ty vẫn đảm bảo việc làm cho hơn 70 lao động với mức thu nhập từ 6 – 7 triệu đồng/người/tháng”.

Giá xăng dầu thời gian tới có chiều hướng tiếp tục tăng khiến nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng; giá nguyên vật liệu đầu vào, cước vận chuyển được dự báo sẽ tăng theo, gây áp lực lớn lên hoạt động SXKD của các DN.

Chính vì vậy, trong tình hình hiện nay, các DN luôn mong muốn Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần có những chính sách thiết thực, cụ thể hơn nữa để bình ổn giá thị trường, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.

Bài, ảnh Thành An

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/78298/doanh-nghiep-gap-kho-khi-gia-nguyen-vat-lieu-phi-van-chuyen-tang-cao.html