Doanh nghiệp gặp khó khi trả lại đất cho cổ đông
Sau khi chấp thuận cho cổ đông góp vốn bằng tài sản là đất, doanh nghiệp đã làm các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng, chuyển mục đích sử dụng và được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), đồng thời ký hợp đồng thuê đất để thực hiện dự án. Tuy nhiên, dự án không thể triển khai, doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng hủy bỏ các quyết định trên để trả lại đất cho cổ đông nhưng không được chấp thuận.
Luật chưa quy định
Ông Đào Quốc Thắng, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Vạn Phúc 3, cho biết, ngày 9-7-2015, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH Bệnh viện Vạn Phúc (sau này đổi tên thành Công ty cổ phần BVĐK Vạn Phúc 3) được đầu tư xây dựng BVĐK Vạn Phúc 3 tại thửa đất số 137, tờ bản đồ 26, diện tích 4.450m2 ở xã Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, thuộc quyền sử dụng của bà Vũ Mộng Tuyết.
Trên cơ sở này, Công ty cổ phần BVĐK Vạn Phúc 3 đã nhận góp vốn bằng quyền sử dụng mảnh đất nêu trên của bà Tuyết. Ngày 18-1-2018, UBND tỉnh Bình Dương ban hành quyết định cho phép Công ty cổ phần BVĐK Vạn Phúc 3 được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất xây dựng cơ sở y tế. Ngày 21-3-2018, Sở TN-MT tỉnh Bình Dương ký kết hợp đồng thuê đất số 1130/HĐTĐ-STNMT với Công ty cổ phần BVĐK Vạn Phúc 3.
Tiếp đó, Công ty cổ phần BVĐK Vạn Phúc 3 đã lập báo cáo tác động môi trường để tiến hành xây dựng bệnh viện. Tuy nhiên, ngày 27-3-2019, Sở TN-MT tỉnh Bình Dương có văn bản không chấp thuận phương án đánh giá tác động môi trường của Công ty cổ phần BVĐK Vạn Phúc 3, do khu đất xây dựng bệnh viện không có hệ thống thoát nước công cộng. Nguyên nhân này khiến dự án không thể thực hiện. Ngày 17-11-2019, Công ty cổ phần BVĐK Vạn Phúc 3 gửi công văn đến UBND tỉnh Bình Dương đề nghị ngưng thực hiện dự án. Ngày 21-2-2020, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản cho phép dừng thực hiện xây dựng BVĐK Vạn Phúc 3.
Ngay sau đó, Công ty cổ phần BVĐK Vạn Phúc 3 đã làm văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị hủy quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hợp đồng thuê đất để trả lại đất cho cổ đông góp vốn bằng đất. Ngày 16-10-2020, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản gửi Sở TN-MT, yêu cầu cơ quan này xử lý kiến nghị trên của Công ty cổ phần BVĐK Vạn Phúc 3.
Dù Công ty cổ phần BVĐK Vạn Phúc 3 đã nhiều lần gửi văn bản, liên hệ trực tiếp với Sở TN-MT tỉnh Bình Dương đề nghị hủy bỏ quyết định chuyển quyền sử dụng đất, hủy hợp đồng thuê đất và sổ đỏ của BVĐK Vạn Phúc 3, để cấp lại sổ đỏ cho bà Vũ Mộng Tuyết nhưng đề nghị này không được chấp thuận. Theo lý giải của Sở TN-MT tỉnh Bình Dương, do Luật Đất đai hiện chưa có quy định trả lại đất cho người góp vốn bằng đất nên đơn vị này chưa biết xử lý thế nào.
Tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo
Theo ông Đào Quốc Thắng, về cơ bản, khu đất trên trước khi đưa vào góp vốn là đất thuộc quyền sở hữu của cá nhân chứ không phải đất nhà nước. Việc dự án không thực hiện được là do Sở TN-MT tỉnh Bình Dương không phê duyệt đánh giá tác động môi trường, chứ không phải doanh nghiệp tự ý ngưng dự án. “Luật chưa quy định việc trả lại đất cho cổ đông đã góp vốn nhưng luật cũng không cấm việc này. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp, trong trường hợp này, UBND tỉnh Bình Dương cần linh động áp dụng các quy định hiện hành để xử lý, hoặc cần kiến nghị lên cấp trên sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho sát với thực tế. Đằng này, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương để sự việc kéo dài gần 3 năm nay, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người dân”, ông Thắng bức xúc nói.
Cũng theo ông Thắng, tại khoản 3 Điều 4 trong hợp đồng thuê đất số 1130/HĐTĐ-STNMT có ghi rõ: “Trong thời hạn hợp đồng còn hiệu lực thi hành, nếu bên thuê đất trả lại toàn bộ hoặc một phần trước thời hạn thì phải thông báo cho bên cho thuê đất biết trước ít nhất là 6 tháng. Bên cho thuê đất trả lời cho bên thuê đất trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày nhận được đề nghị của bên thuê đất. Thời gian kết thúc hợp đồng tính đến ngày bàn giao mặt bằng”.
Tại Điều 5 của hợp đồng cũng quy định hợp đồng thuê đất chấm dứt trong các trường hợp sau: hết thời hạn thuê đất mà không được gia hạn tiếp; do đề nghị của một bên hoặc các bên tham gia hợp đồng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất quyết định; bên thuê bị phá sản hoặc bị phát mãi tài sản hoặc giải thể. Căn cứ vào quy định này thì khi chấm dứt hợp đồng, bên cho thuê phải trả lại đất cho bên thuê.
Ông Đinh Hoàng Bảo, Phó Trưởng phòng thống kê đất đai (Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Dương), cho biết, ngày 13-1-2022, Sở TN-MT tỉnh Bình Dương đã gửi văn bản kiến nghị Tổng cục Quản lý đất đai có ý kiến hướng dẫn về việc xin hủy quyết định thuê đất, hợp đồng thuê đất, sổ đỏ đã cấp cho Công ty cổ phần BVĐK Vạn Phúc 3, đồng thời xử lý việc cấp lại sổ đỏ cho cá nhân có quyền sử dụng trước đây. Tuy nhiên đến nay, Sở TN-MT tỉnh Bình Dương vẫn chưa nhận được phản hồi của Tổng cục Quản lý đất đai. Do vậy, Sở TN-MT tỉnh Bình Dương sẽ tiếp gửi văn bản hối thúc Tổng cục Quản lý đất đai để sớm có hướng giải quyết dứt điểm vụ việc.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doanh-nghiep-gap-kho-khi-tra-lai-dat-cho-co-dong-post660209.html