Doanh nghiệp gặp khó trước quy định mới tại nhiều thị trường xuất khẩu

Các thị trường nhập khẩu lớn đối với sản phẩm da giày, túi xách Việt Nam đưa ra nhiều quy định, đạo luật mới liên quan đến sinh thái, chống phá rừng, hộ chiếu với sản phẩm hay truy xuất chuỗi cung ứng. Tuy vậy, doanh nghiệp Việt vẫn chưa nắm được quy trình, thủ tục để chứng minh khi xuất khẩu.

Thông tin được bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO) phản ánh tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2024 với chủ đề “Xúc tiến thương mại phát triển thị trường sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo” ngày 29/7.

Theo bà Xuân, xuất khẩu da giày, túi xách 6 tháng đầu năm ghi nhận những tín hiệu khởi sắc rõ rệt. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 12,8 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tốc độ tăng trưởng này, dự kiến ngành sẽ đạt 26 – 27 tỷ USD trong năm 2024.

Tuy vậy, theo Phó Chủ tịch LEFASO, các doanh nghiệp (DN) trong ngành rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan Thương vụ cũng như Bộ Công Thương. Thứ nhất, đối với thị trường Ấn Độ, đây là thị trường khá lớn với 1,4 tỷ dân nhưng xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ đang gặp phải một số thách thức khi phía Chính phủ nước này đưa ra một số điều kiện.

Xuất khẩu da giày, túi xách tăng trưởng tích cực nhưng doanh nghiệp gặp khó về quy định mới từ thị trường nhập khẩu.

Xuất khẩu da giày, túi xách tăng trưởng tích cực nhưng doanh nghiệp gặp khó về quy định mới từ thị trường nhập khẩu.

Cụ thể, các nhà máy khi xuất khẩu vào Ấn Độ buộc phải tuân thủ các điều kiện kiểm soát trực tiếp của nhà máy và phải được cấp giấy chứng nhận mới có thể được xuất khẩu vào. Trong khi đó, quá trình thực hiện rất vướng mắc. Phía Việt Nam liên hệ với các nơi cấp là viện cấp phép của Ấn Độ thường rất khó khăn.

“Vấn đề này không mới, Hiệp hội đã kiến nghị và chính Thủ tướng cũng đã có ý kiến với phía Ấn Độ để giải quyết nhưng hiện nay tốc độ xử lý rất chậm. Rất cần sự sâu sát hơn từ phía Thương vụ để hỗ trợ các DN đẩy mạnh các thủ tục về kỹ thuật”, bà Xuân nói.

Thứ hai, đối với thị trường Brazil, LEFASO nhận được thông tin từ phía Brazil muốn kiến nghị Việt Nam gỡ bỏ yêu cầu giấy phép kiểm dịch thực vật đối với loại da xanh. Loại da này thực ra không gây hại vì đã được chế biến. Theo phía Brazil, Trung Quốc đã gỡ bỏ cho họ thủ tục này. Nếu Việt Nam gỡ bỏ thủ tục này sẽ tạo điều kiện thuận lợi về mặt chi phí cũng như thời gian giao hàng đối với cả hai phía.

Thứ ba, liên quan đến việc xuất khẩu sang một số thị trường có tốc độ tăng trưởng khá nhanh như Mexico có nguy cơ bị áp dụng thuế chống bán phá giá. Hiện LEFASO đã nhận được một số cảnh báo từ những nước như vậy. Do đó, hiệp hội và các DN thành viên mong muốn các thương vụ chia sẻ thông tin kịp thời để DN có sự chuẩn bị và ứng phó tốt nhất.

Thứ tư, ngày da giày hiện nay đang vướng ở nút thắt liên quan đến vấn đề nguyên phụ liệu. Việt Nam muốn chủ động trong nguồn cung, tránh phụ thuộc vào bên ngoài thì phải chủ động khâu sản xuất.

Tuy nhiên, vừa rồi cả hai ngành dệt may và da giày đã có văn bản gửi Bộ Công Thương kiến nghị về việc làm sao có thể thành lập và phát triển trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu tại Việt Nam.

Hiện yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đối với nguyên phụ liệu đang ngày càng chặt chẽ. Điều này thể hiện rõ qua các đạo luật mà phía EU cũng như Mỹ sẽ áp dụng. Trong đó có đạo luật về chống phá rừng, đạo luật liên quan đến truy xuất chuỗi cung ứng. Sắp tới là một loạt đạo luật liên quan tới sinh thái hay hộ chiếu số đối với sản phẩm mà phía EU sẽ áp dụng cũng như đánh thuế đối với phát thải carbon những mặt hàng xuất khẩu vào EU.

“Tất cả những câu chuyện này liên quan đến truy xuất chuỗi cung ứng không chỉ đối với các nhà sản xuất tại đây mà chúng ta còn phải truy xuất cả nhà sản xuất mà Việt Nam nhập khẩu. Nếu Việt Nam kiểm soát được câu chuyện này thì mới có thể xuất khẩu thành công, nếu không sẽ gặp phải rất nhiều thách thức”, bà Xuân nêu.

Cũng theo Phó Chủ tịch LEFASO, hiện nay một số đạo luật EU đã đưa vào thực hiện nhưng thủ tục và cách hướng dẫn thực thi như thế nào thì các DN Việt Nam hoàn toàn chưa tiếp cận được.

Ví dụ đạo luật chống phá rừng, có nghĩa là các DN sản xuất từ nguyên phụ liệu phải chứng minh rằng không vi phạm nằm trên những vùng rừng nguyên sinh trước kia hay sử dụng bất cứ sản phẩm gì đó liên quan đến câu chuyện chống phá rừng.

Để chứng minh điều này các DN phải tiếp cận toàn bộ quy trình, thủ tục như thế nào để chứng minh đối với các nước như EU khi xuất khẩu hàng hóa.

"Hiệp hội nhận thấy các DN hầu như chưa nắm được. Hiệp hội tiếp cận qua một bên thứ ba, đơn vị đánh giá và cung cấp chứng chỉ này nhưng mới chỉ được một số lượng rất nhỏ, thông tin hiện còn rất thiếu. Vì vậy, LEFASO đề nghị Bộ Công Thương cũng như các thương vụ truyền tải thông tin cũng như tập huấn, hướng dẫn cho DN. Từ nay đến năm 2026 hầu như các DN phải chứng minh tất cả những gì liên quan đến đạo luật trên", bà Xuân kiến nghị.

Minh Thu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/hiep-hoi-doanh-nghiep/doanh-nghiep-gap-kho-truoc-quy-dinh-moi-tai-nhieu-thi-truong-xuat-khau/20240729043648700