Doanh nghiệp gặp khó vì chưa nhận được mặt bằng đầu tư dự án
Đó là trường hợp của Công ty cổ phần KLG có địa chỉ tại thôn Kim Giao, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Công ty cổ phần KLG đầu tư dự án Khu dịch vụ và sản xuất rượu gạo Kim Long Giao Quảng Trị và đã hoàn thành các thủ tục đầu tư từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được bàn giao mặt bằng đầu tư dự án, ảnh hưởng đến tiến độ, gây thiệt hại về kinh tế.
Ước mơ khôi phục, phát triển đặc sản quê hương
Bà Lư Thanh Nga, Phó Giám đốc Công ty cổ phần KLG chia sẻ: “Chúng tôi là những người con của quê hương Hải Lăng, mang trong mình niềm ấp ủ khôi phục và phát triển thương hiệu rượu Kim Long nổi tiếng, đồng thời không muốn phương thức nấu rượu cổ truyền nơi đây bị thất truyền. Chính vì vậy, đã mạnh dạn đầu tư dự án với quy mô lớn. Dự án đã được UBND tỉnh ra Quyết định chấp thuận đầu tư số 368/QĐ-UBND ngày 25/2/2019, với số vốn hơn 34 tỉ đồng; công suất thiết kế 150.000 lít sản phẩm/năm gồm cả rượu trắng và rượu màu. Sản phẩm rượu được doanh nghiệp sản xuất theo phương pháp cổ truyền kết hợp với công nghệ mới, đồng thời trồng thêm cây gia vị, cây dược liệu; đầu tư khu vực trưng bày, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cho khách du lịch đến tham quan. Dự kiến, dự án khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho gần 100 lao động tại địa phương, tạo đầu ra sản phẩm bền vững cho các hộ dân đang sản xuất rượu truyền thống ở địa phương.
Theo quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, tiến độ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất rượu, khu vườn ươm trồng cây dược liệu vào tháng 6/2019; tháng 5/2020 hoàn thiện đầu tư xây dựng hạ tầng, lắp đặt máy móc vận hành chạy thử; tháng 6/2020 khởi công xây dựng nhà hàng, hồ sinh thái, sân bãi; tháng 5/2021 hoàn thiện đầu tư xây dựng nhà hàng và đi vào hoạt động. Dự án có quy mô sử dụng đất là 18.420 m2 tại thôn Kim Giao, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Hiện nay, doanh nghiệp đã hoàn thành các thủ tục đầu tư, trong đó đã ký quỹ đầu tư với số tiền 515.106.000 đồng từ tháng 1/2020. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thể có mặt bằng để tiến hành khởi công, triển khai dự án. Nguyên nhân là do vướng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dẫn đến gây thiệt hại về kinh tế cho nhà đầu tư vì vi phạm hợp đồng với các đối tác.
Chính quyền khẳng định “đất sạch”, nhưng lại vướng GPMB?
Bà Lư Thanh Nga, Phó Giám đốc Công ty cổ phần KLG cho biết: Quá trình thực hiện thủ tục xin giao đất để thực hiện dự án, doanh nghiệp đã phối hợp với các ban, ngành chức năng liên quan thực hiện các thủ tục đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp phải vướng mắc về GPMB dù trước đó, chính quyền địa phương khẳng định phần đất kể trên là “đất trống, không thực hiện giải phóng mặt bằng”.
Cụ thể, ngày 29/8/2019, UBND huyện Hải Lăng có Thông báo số 380/ TB-UBND về việc thông báo thu hồi đất để xây dựng công trình Khu dịch vụ và sản xuất rượu gạo Kim Long Giao Quảng Trị. Nội dung Thông báo thể hiện: Thu hồi 18.420 m2 đất do UBND xã Hải Dương đang quản lý, tại tờ bản đồ địa chính số 01, thửa số 18/1, S4/1 và 25/1, thuộc thôn Kim Giao, xã Hải Dương gồm đất mặt nước chuyên dùng 1.035 m2 ; đất mặt bằng chưa sử dụng 17.385 m2 .
Ngày 21/11/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 1941/SNN-KHTC nêu rõ: Diện tích đất lâm nghiệp xin chuyển đổi mục đích để thực hiện dự án là 18.420 m2 thuộc Tiểu khu 810B, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng. Toàn bộ diện tích 18.420 m2 là diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch phòng hộ, do UBND xã Hải Dương quản lý; bản đồ hiện trạng rừng năm 2018 của huyện Hải Lăng và kết quả kiểm tra hiện trường, khu vực trên thuộc đối tượng đất trống quy hoạch lâm nghiệp. Căn cứ quy định của Luật Lâm nghiệp, diện tích này không phải thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và lập phương án trồng rừng thay thế. Đồng thời đề nghị doanh nghiệp làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Đặc biệt, ngày 30/12/2019, UBND xã Hải Dương có văn bản số 21/UBND-ĐC xác nhận: “Phần đất thuộc khu quy hoạch được phê duyệt với tổng diện tích thu hồi 18.420 m2 , tờ bản đồ số 01, thửa số 18 và 25, theo bản đồ thu hồi đất và danh sách thu hồi đất do Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh - Chi nhánh huyện Hải Lăng lập là đất do UBND xã Hải Dương quản lý, chưa giao cho bất kỳ một hộ gia đình, cá nhân hay tổ chức nào sử dụng. Hiện tại trên đất là đất trống không thực hiện giải phóng mặt bằng”. Đồng thời, văn bản cũng đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, thẩm định hồ sơ thu hồi đất, thẩm định hồ sơ thu hồi đất, giao đất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, khi Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra thực địa vào ngày 2/3/2020 để tiến hành thủ tục giao đất thì phát hiện trên thửa đất có một phần diện tích đất các hộ gia đình canh tác nông nghiệp nên đề nghị doanh nghiệp làm việc với chính quyền địa phương để rà soát lại hiện trạng sử dụng đất. Điều đáng nói là việc xử lý vấn đề này đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Cần chung tay hỗ trợ doanh nghiệp
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Trị, nguyên nhân của vướng mắc kể trên là do có sự mâu thuẫn về quyền lợi giữa nhà đầu tư và một số hộ dân. Bí thư Đảng ủy xã Hải Dương Phan Trọng Thiện cho biết, trên thửa đất này có một nhóm hộ sản xuất nông nghiệp. Năm 2008, nhóm hộ gồm 4 hộ do ông Võ Nghị đại diện có văn bản gửi UBND xã Hải Dương xin mượn một phần diện tích đất để canh tác hoa màu, đồng thời cam kết khi chính quyền lấy lại mặt bằng sẽ trả và không yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đang làm thủ tục thuê đất thì các hộ dân yêu cầu hỗ trợ kinh phí cải tạo đất với số tiền 40 triệu đồng. Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện Hải Lăng đã chủ trì các phiên làm việc để giải quyết hài hòa quyền lợi giữa nhà đầu tư và nhóm hộ dân. Tuy nhiên, các phiên làm việc vẫn chưa đi đến thống nhất.
Theo bà Lư Thanh Nga, Phó Giám đốc Công ty cổ phần KLG, việc nhóm hộ yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cải tạo đất là hết sức vô lý. Bởi quá trình khảo sát lựa chọn mặt bằng trước đây của doanh nghiệp không hề thấy sự hiện diện việc canh tác của các hộ dân. Mặt khác, chính quyền xã Hải Dương đã có văn bản khẳng định đây là đất sạch, không phải GPMB. Chính vì vậy, doanh nghiệp chỉ đồng ý hỗ trợ một phần kinh phí, tuy nhiên các hộ dân không đồng ý. Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, trên phần đất dự kiến đầu tư dự án là một vùng đất trũng thấp chỉ có cát trắng và cỏ dại.
Cũng theo bà Lư Thanh Nga, những ngày gần đây doanh nghiệp tiếp nhận thêm kiến nghị của một hộ dân khác có tên là Võ Mãi yêu cầu được hỗ trợ kinh phí cải tạo đất. Chính vì vậy, doanh nghiệp đã nhiều lần đến liên hệ với UBND xã Hải Dương để rà soát xem còn bao nhiêu trường hợp như vậy để có giải pháp tháo gỡ nhưng chưa nhận được sự phối hợp của chính quyền địa phương.
Để giải quyết vướng mắc, ngày 4/6/2020, UBND tỉnh có văn bản số 2451 do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng ký, nhấn mạnh: UBND tỉnh đã có văn bản số 1482/UBND-CN chỉ đạo giải quyết vướng mắc, nhưng đến nay UBND huyện Hải Lăng, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND xã Hải Dương và các đơn vị, cá nhân liên quan chưa giải quyết dứt điểm, gây khó khăn cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Vì vậy, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ nêu trên khẩn trương triển khai thực hiện; hoàn thành và báo cáo kết quả lên UBND tỉnh trước ngày 20/6/2020, nếu khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh kịp thời xem xét giải quyết. Tuy nhiên, sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Qua sự việc cho thấy trách nhiệm thuộc về UBND xã Hải Dương trong việc thiếu thông tin cho nhà đầu tư về hiện trạng sử dụng đất và chưa tích cực phối hợp tháo gỡ vướng mắc làm ảnh hưởng đến chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư của UBND tỉnh. Để giải quyết dứt điểm sự việc, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, UBND xã Hải Dương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, đồng thời tích cực phối hợp với nhà đầu tư trong giải quyết các vướng mắc. Về phía nhà đầu tư cần xem xét hỗ trợ một phần kinh phí nếu thực sự người dân có cải tạo, san lấp, làm tăng giá trị đất. Về phía người dân cần chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về đất đai và những cam kết của mình trước chính quyền địa phương. Có như vậy mới giải quyết dứt điểm sự việc, đảm bảo hài hòa quyền lợi, trách nhiệm của các bên, góp phần đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=150401