Doanh nghiệp gặp vướng về quy định pháp luật khi tận dụng Hiệp định CPTPP

Báo cáo của VCCI cho thấy, vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai các văn bản quy định pháp luật về việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định CPTPP trên thực tế, nhất là về quy tắc xuất xứ và hạn ngạch thuế quan.

Sáng ngày 10/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Hoạt động Xây dựng Pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách”.

Quy định về quy tắc xuất xứ chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp khó tận dụng ưu đãi từ CPTPP.

Quy định về quy tắc xuất xứ chưa rõ ràng khiến doanh nghiệp khó tận dụng ưu đãi từ CPTPP.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho biết, tính đến nay, CPTPP đã có hiệu lực với Việt Nam được gần 03 năm. Là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao đầu tiên mà Việt Nam từng tham gia, CPTPP có tác động trực tiếp tới nhiều định chế pháp luật nội địa của Việt Nam.

Tổng hợp của VCCI cho thấy theo các dự kiến và kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành thì có tổng cộng 7 Luật, 6 Nghị định và 6 Thông tư cần được sửa đổi hoặc xây dựng mới. Các hoạt động xây dựng pháp luật này dự kiến chia làm 02 đợt: đợt đầu thực hiện với các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và đợt sau thực hiện với các cam kết CPTPP có lộ trình muộn hơn.

Rà soát của VCCI thực hiện với tổng cộng 11 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và 4 văn bản được soạn thảo để chuẩn bị thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực theo lộ trình trong giai đoạn 2019-2021.

Về thời điểm ban hành và có hiệu lực, có 8 văn bản được soạn thảo và ban hành trong năm 2019, 3 văn bản ban hành năm 2020. Tất cả đều được soạn thảo và ban hành trong thời gian ngắn hơn quy trình thông thường theo Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật nhưng nếu so sánh với mốc 14/1/2019 theo yêu cầu CPTPP thì trung bình mỗi văn bản này ban hành chậm 246 ngày.

Việc các văn bản hướng dẫn thực thi ban hành chậm đã ảnh hưởng nhất định tới khả năng tận dụng các lợi ích từ Hiệp định của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn đầu. "Đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiệu quả tận dụng CPTPP trong 02 năm đầu của Hiệp định chưa đạt được như kỳ vọng", VCCI đánh giá.

Về tính minh bạch và khả thi, vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trên thực tế, nhất là về quy tắc xuất xứ và hạn ngạch thuế quan CPTPP.

Ví dụ, quy định sử dụng từ/thuật ngữ kỹ thuật mà không có giải thích rõ ràng (quy tắc xuất xứ mặt hàng), quy định chưa thống nhất về thủ tục (xác minh hải quan về xuất xứ), quy định đưa ra các điều kiện chưa thật hợp lý (điều kiện nhập khẩu ô tô cũ). Một phần trong các vướng mắc này đã được cơ quan quản lý xử lý thông qua việc ban hành công văn hướng dẫn hoặc bằng cách sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập cần tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện.

Theo VCCI, các bất cập thực tiễn này mặc dù không ảnh hưởng tới việc thực hiện nghĩa vụ cam kết của Việt Nam hay lợi ích của các đối tác CPTPP nhưng có thể gây ảnh hưởng bất lợi tới việc tận dụng các cơ hội từ CPTPP của doanh nghiệp Việt Nam, vì vậy cần được xem xét điều chỉnh thích hợp.

VCCI đã đưa ra các khuyến nghị để nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật, để tiếp tục thực thi CPTPP cũng như các FTA mới ký kết/có hiệu lực của Việt Nam. Đơn cử, hoạt động rà soát tính tương thích với cam kết FTA và lập kế hoạch xây dựng pháp luật thực thi cam kết cần được thực hiện một cách bao trùm hơn, có tính liên ngành, minh bạch và tham vấn đầy đủ với các đối tượng liên quan.

Việc soạn thảo nội dung cần được thực hiện càng sớm càng tốt, thậm chí từ khi văn kiện FTA được ký kết chính thức mà không chờ tới khi phê chuẩn. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần đặc biệt chú trọng hoạt động tham vấn doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động trong quá trình dự thảo, thông tin cung cấp cho doanh nghiệp nên bao gồm không chỉ dự thảo văn bản mà còn các tài liệu thuyết minh và giải trình.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, việc tổng kết quá trình thực hiện các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP đã triển khai, đánh giá các thành công và bất cập, nhận diện những nguyên nhân liên quan có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là cơ sở để Việt Nam rút ra những bài học kinh nghiệm trực tiếp cho giai đoạn tiếp theo của quá trình thực thi các cam kết có lộ trình dài hơn, có nội dung thử thách hơn của CPTPP.

Bên cạnh đó, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh các thách thức thể chế và giải pháp để tiếp tục thực thi hiệu quả CPTPP ở Việt Nam trong bối cảnh Anh, Trung Quốc và một số đối tác mới muốn tham gia Hiệp định này.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-gap-vuong-ve-quy-dinh-phap-luat-khi-tan-dung-hiep-dinh-cptpp-1082196.html