Doanh nghiệp giữ sức hút giữa bức tranh chứng khoán ảm đạm
Dù thị trường chứng khoán đang trên đà suy giảm, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn mạnh tay chào bán hàng trăm triệu cổ phiếu, kêu gọi hàng nghìn tỷ đồng.
"Hút" hàng nghìn tỷ đồng
Trong hơn 5 tháng qua, thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái giao dịch trầm lắng. Các phiên có giá trị trên 20.000 tỷ đồng dần biến mất, thay vào đó là mức giao dịch phổ biến từ 11.000 – 13.000 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi phiên giao dịch trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 10 đạt khoảng 15.000 – 16.000 tỷ đồng, giảm khoảng 25% so với nửa đầu năm.
VN-Index cũng đi ngang trong xu hướng giảm, từng rơi dưới ngưỡng 1.200 điểm vào ngày 5/8/2024. Hiện tại, chỉ số này giao dịch ở vùng 1.240 điểm, ghi nhận mức tăng 9,6% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 14% vào giữa năm.
Là một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, thị trường chứng khoán sôi động thường tạo ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp gọi vốn. Thế nhưng, bất chấp tình trạng suy giảm thanh khoản, nhiều doanh nghiệp vẫn huy động được nguồn vốn lớn thông qua các đợt phát hành cổ phiếu, thể hiện rõ nội lực mạnh mẽ và niềm tin từ nhà đầu tư.
Một trong những đơn vị nổi bật là Chứng khoán SSI (SSI), đã huy động thành công 2.267 tỷ đồng thông qua chào bán gần 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Số vốn này được sử dụng cho hoạt động đầu tư chứng chỉ tiền gửi và cho vay ký quỹ. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện đợt chào bán, cổ phiếu SSI ghi nhận mức giảm giá từ 28.000 đồng xuống còn 24.500 đồng/cổ phiếu (theo giá điều chỉnh). Từ đỉnh tháng 4, cổ phiếu này đã giảm 20%.
Tương tự, Chứng khoán Vietcap (VCI) đã phát hành riêng lẻ 143,63 triệu cổ phiếu, huy động 4.021 tỷ đồng, tương ứng giá bán 28.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, hơn 74 triệu cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua vào, bao gồm các quỹ lớn như PYN Elite Fund và Vietnam Enterprise Investments Limited. Dù vậy, cổ phiếu VCI cũng chịu áp lực giảm gần 20% so với mức đỉnh đạt được vào cuối tháng 3.
Ngoài các doanh nghiệp lớn, một số đơn vị có quy mô nhỏ hơn cũng thành công trong việc gọi vốn. Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên thu về 152 tỷ đồng từ việc chào bán 15,2 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Công ty cổ phần Nông nghiệp Hùng Hậu (mã: SJ1) phát hành gần 20 triệu cổ phiếu, đạt tỷ lệ thành công 85%, thu được 260 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Gemadept (GMD) triển khai đợt phát hành 103 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 29.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến huy động 3.000 tỷ đồng. Mặc dù thị trường chứng khoán có nhiều biến động, cổ phiếu GMD vẫn giữ vững phong độ với mức giá hiện tại khoảng 64.400 đồng/cổ phiếu, cao hơn đáng kể so với giá phát hành.
Những kết quả này phản ánh rõ khả năng huy động vốn bền bỉ của các doanh nghiệp, ngay cả khi thị trường chứng khoán đối mặt với nhiều thách thức và dòng tiền trở nên khan hiếm. Niềm tin của nhà đầu tư vẫn là yếu tố quan trọng, tiếp sức cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Liên tiếp "sóng" tăng vốn
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu chạm đáy trong tháng 11 khi VN-Index lùi sát mốc 1.200 điểm. Sự cải thiện của các yếu tố vĩ mô, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng, lãi suất thấp và kỳ vọng nâng hạng thị trường được xem là những động lực chính hỗ trợ thị trường phát triển trong dài hạn.
Nắm bắt cơ hội này, nhiều doanh nghiệp lớn đang bắt đầu triển khai các kế hoạch tăng vốn đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024. Tiêu biểu là Becamex IDC (BCM) – doanh nghiệp đầu ngành khu công nghiệp, vừa công bố kế hoạch đấu giá 300 triệu cổ phiếu với mức giá không thấp hơn 50.000 đồng/cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM. Thời gian thực hiện dự kiến kéo dài từ quý IV/2024 đến năm 2025.
Với tổng giá trị ước tính tối thiểu 15.000 tỷ đồng, đây được xem là một trong những thương vụ đấu giá "bom tấn" hiếm hoi trong nhiều năm qua.
Từ sau các thương vụ lớn của Vinamilk, Sabeco, Tập đoàn Cao su hay Lọc hóa dầu Bình Sơn giai đoạn 2017-2018, hoạt động đấu giá trên thị trường chứng khoán đã dần trở nên trầm lắng. Các thương vụ gần đây như Bộ Xây dựng thoái vốn Idico (IDC) hay Petrolimex thoái vốn tại PGBank (PGB) cũng chỉ đạt giá trị dưới 3.000 tỷ đồng.
Becamex IDC dự kiến sử dụng số vốn huy động để đầu tư các dự án lớn và tái cấu trúc tài chính.
Cụ thể, công ty sẽ dành 2.800 tỷ đồng cho khu công nghiệp Cây Trường, 3.500 tỷ đồng cho khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, 3.634 tỷ đồng góp vốn vào các đơn vị thành viên như VSIP, Becamex Bình Phước, Becamex Bình Định và 5.000 tỷ đồng để tái cấu trúc tài chính. Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm (51.600 đồng/cổ phiếu), giá cổ phiếu BCM đã phục hồi mạnh mẽ, đạt 66.100 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 10, tương ứng mức tăng 28% trong vòng 7 tháng.
Không chỉ Becamex IDC, các doanh nghiệp khác cũng đẩy mạnh kế hoạch huy động vốn. DIC Corp mới đây đã công bố kế hoạch chào bán 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Mục tiêu là huy động 3.000 tỷ đồng để triển khai các dự án lớn như khu phức hợp Cap Saint Jacques (giai đoạn 2 và 3), khu dân cư thương mại Vị Thanh và thanh toán trái phiếu mã DGH2124003.
Trong khi đó, Tập đoàn YeaH1 cũng đặt mục tiêu huy động 548 tỷ đồng thông qua phương án chào bán 54,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 40% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, nếu thành công, YeaH1 sẽ tăng vốn điều lệ từ 1.370 tỷ đồng lên hơn 1.900 tỷ đồng. Đợt chào bán dự kiến diễn ra trong quý III hoặc IV/2024, sau khi nhận được chấp thuận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Số vốn này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính, tương xứng với giá trị tài sản hiện tại.