Vị ngọt quýt đường canh Bắc Kạn

Hiện nay, nhiều diện tích quýt bản địa bị già cỗi, chết do trồng lâu năm, bị sâu hại... đã được người dân Bắc Kạn thay thế, chuyển sang trồng giống quýt đường canh cho năng suất và hiệu quả kinh tế khá.

 Ông Đặng Phúc Lâm ở thôn Nà Pán, xã Đôn Phong có vườn quýt đường canh sai trĩu quả.

Ông Đặng Phúc Lâm ở thôn Nà Pán, xã Đôn Phong có vườn quýt đường canh sai trĩu quả.

Xã Đôn Phong (Bạch Thông) hiện có diện tích quýt trên 300ha, tập trung ở các thôn Bản Đán, Nà Đán, Nà Pán… Năm nay quýt được giá nên nhiều hộ dân khá phấn khởi. Ngoài quýt bản địa lâu năm thì mấy năm nay, người dân trong xã có xu hướng lựa chọn giống quýt đường canh (quýt ngọt) để phát triển kinh tế. Cây trồng này có ưu điểm thời gian thu hoạch nhanh (khoảng 5-6 năm), giá thành kinh tế cao gấp đôi so với quýt ta, được thị trường ưa chuộng. Ông Đặng Phúc Lâm ở thôn Nà Pán có hơn 2,5ha cây cam quýt, trong đó có 0,6ha quýt đường canh. Số diện tích này được ông trồng từ năm 2013, hiện toàn bộ đều đã cho thu hoạch.

Vụ quýt ngọt năm nay sai quả, dự kiến kết thúc vụ gia đình ông Lâm thu về khoảng 10 tấn, với giá bán trung bình 25.000 đồng/kg giúp ông bỏ túi trên 200 triệu đồng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Lâm chia sẻ: “Quýt ngọt đòi hỏi khá cao về kỹ thuật, quá trình chăm sóc phải biết siết cây, tỉa cành, bón phân đủ liều lượng để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Tôi thường sử dụng phân kali kết hợp phân hữu cơ bón cây để gia tăng độ ngọt cho quả, quýt vỏ mỏng, vàng óng, mọng nước là quả đạt chất lượng. Quýt vỏ dày, quả thường hay bị xốp, giá thành sẽ thấp”.

 Quýt ngọt đang được các hộ nông dân mở rộng diệ tích do giá trị kinh tế cao và thị trường ưa chuộng.

Quýt ngọt đang được các hộ nông dân mở rộng diệ tích do giá trị kinh tế cao và thị trường ưa chuộng.

Gia đình ông Dương Văn Chinh ở thôn Bản Đán, xã Đôn Phong (Bạch Thông) trồng được khoảng 1ha quýt ngọt với số lượng 500 gốc, dự kiến vụ này ông thu về khoảng 10 tấn quả. Ông Chinh chia sẻ: “Khó nhất của loại quýt ngọt vẫn là khâu kỹ thuật, nếu không chăm sóc tốt, làm đúng quy trình kỹ thuật thì quả rất dễ bị xốp, nhiều xơ, ít nước, bán sẽ không được giá”.

Bà Phùng Thị Sim, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Phong cho biết: “Mấy năm nay diện tích quýt có giảm nhưng chủ yếu là giống quýt ta do già cỗi. Tuy nhiên một số hộ dân mấy năm nay lại quan tâm phát triển giống quýt ngọt, phần lớn bà con tự đi mua giống về trồng. Khó khăn ở địa phương vẫn là thiếu quỹ đất sản xuất nên hạn chế trong việc mở rộng diện tích”.

 Hộ chị Nguyễn Thị Nhung, thương lái ở xã Dương Phong (Bạch Thông) đóng hàng quýt ngọt chở về các ở các tỉnh miền xuôi tiêu thụ.

Hộ chị Nguyễn Thị Nhung, thương lái ở xã Dương Phong (Bạch Thông) đóng hàng quýt ngọt chở về các ở các tỉnh miền xuôi tiêu thụ.

Không chỉ riêng xã Đôn Phong, hiện nay giống quýt ngọt còn được trồng phổ biến ở nhiều nơi như xã Dương Phong, Quang Thuận (Bạch Thông), xã Kim Lư (huyện Na Rì)...

Là thương lái đã có nhiều năm thu gom quýt vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ, chị Nguyễn Thị Nhung ở xã Dương Phong (Bạch Thông) cho biết: Vào vụ quýt mỗi ngày chị thu gom lên đến 5-6 tấn quýt các loại, trong đó quýt ngọt sản lượng 1 tấn/ngày, các thôn trồng nhiều quýt ngọt gồm Bản Mún, Nà Coọng, Bản Pè. Theo nhận định của chị Nhung, mấy năm nay người dân phát triển mạnh giống quýt đường canh. Các tỉnh miền xuôi có nhu cầu lớn đối với loại quýt này vì dễ ăn, phù hợp với nhiều độ tuổi.

Quýt đường canh hiện là lựa chọn của không ít hộ dân trong phát triển kinh tế và làm giàu tại vùng nông thôn. Loại cây có múi này rất dễ bị sâu bệnh hại, đòi hỏi cao về kỹ thuật canh tác nên người dân cần được hướng dẫn nhiều hơn về khoa học kỹ thuật để áp dụng hiệu quả vào chăm sóc, từ đó nâng cao chất lượng cây trồng, mang lại thu nhập ổn định./.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/vi-ngot-quyt-duong-canh-bac-kan-post68366.html