Doanh nghiệp gỗ đã có đơn hàng trở lại nhưng mục tiêu 17,5 tỷ USD vẫn xa vời
10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,8 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Các chuyên gia cho rằng ngành lâm sản khó đạt được kế hoạch 17,5 tỷ USD, dự kiến về đích ở mức dưới 14 tỷ USD.
Mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD còn xa vời
Chưa đầy hai tháng nữa, năm 2023 sẽ khép lại. Thời điểm này, các doanh nghiệp ngành gỗ đang hoàn thành các đơn hàng cho mùa lễ hội, nhịp độ sản xuất đang dần tất bật trở lại. Tuy nhiên tính chung cả năm, ngành có thể vẫn ghi nhận mức sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cho biết với đà tăng trưởng như hiện tại, xuất khẩu lâm sản trong những tháng cuối năm có thể đạt khoảng 2,5 tỷ USD, đưa kết quả cả năm 2023 lên 13,2-13,3 tỷ USD, giảm gần 30% so với năm 2022.
Còn theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có xu hướng cải thiện trong quý III nhưng tình hình kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhu cầu tiêu dùng chưa cao. Điều này khiến hoạt động xuất khẩu lâm sản của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023 cũng sẽ không có nhiều thay đổi.
“Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2023 dự báo chỉ đạt khoảng 13,6-14 tỷ USD”, Cục Xuất nhập khẩu thông tin.
Phó Chủ tịch HAWA cho biết các doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại, không quá dồi dào như năm ngoái nhưng cũng đủ việc cho công nhân sản xuất, nhà máy vận hành. Một số doanh nghiệp sản xuất hàng cho mùa lễ hội cuối năm, số khác cũng bắt đầu gom nguyên liệu, chuẩn bị nhà máy cho mùa cao điểm năm tới.
Ông Nguyễn Chánh Phương cho biết các đối tác đang đến Việt Nam thăm nhà máy. Đà phục hồi của ngành gỗ có thực sự bền vững hay không, phụ thuộc vào mùa hội chợ vào tháng 3-4/2024.
Số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 10, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 6% so với tháng 9 và đi ngang so với tháng 10/2022. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp, giá trị xuất khẩu lâm sản thoát tăng trưởng âm.
Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,8 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022, thực hiện được 62% mục tiêu 17,5 tỷ USD trong năm nay. Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa, năm 2023 sẽ khép lại, các chuyên gia cho rằng con số 17,5 tỷ USD khá xa vời với ngành lâm sản.
Xuất khẩu gỗ sang Mỹ: Những yếu tố "ổn" và "không ổn"
Bàn về triển vọng xuất khẩu hàng sang Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của lâm sản Việt Nam, ông Nguyễn Chánh Phương miêu tả bằng hai từ “ổn” và “không ổn”.
Ở khía cạnh tích cực, đại diện HAWA cho rằng xuất khẩu gỗ sang Mỹ trong tháng 9 đã lần đầu tăng trưởng dương so với cùng kỳ, cắt đứt chuỗi giảm nhiều tháng liên tiếp.
Còn theo Cục Xuất nhập khẩu, hàng tồn kho tại Mỹ đã giảm xuống còn 10% vào cuối tháng 8 và dự kiến về mức 0% vào cuối năm 2023. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ, đặc biệt là mặt hàng gỗ.
Liên quan đến những yếu tố “không ổn”, ông Nguyễn Chánh Phương nhắc đến nhiều doanh nghiệp gỗ gặp rủi ro khi đối tác Mỹ phá sản.
Đầu tháng 10, CTCP Cẩm Hà thông tin khách hàng Noble House Home Furniture LLC đã chính thức đệ đơn xin phá sản theo chương 11 tới Tòa án Mỹ. Trong khi đó, khách hàng chiếm khoảng 50% tổng doanh thu của công ty.
Cẩm Hà đang tham gia vào giải quyết thủ tục phá sản của tòa án để thu hồi các khoản phải thu đối với khách hàng Noble House Home Furniture LLC.
Noble House hiện là khách hàng của nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam, trong đó có CTCP Phú Tài (Mã: PTB). Tuy nhiên, đối tác này chỉ chiếm tỷ lệ dưới 5% trong tổng doanh thu xuất khẩu tại thị trường Mỹ.
“Tình hình xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Mỹ của công ty đang phục hồi với tốc độ nhanh. Đơn hàng của các khách hàng Phú Tài xuất khẩu sang thị trường này vẫn duy trì ổn định và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới”, Phú Tài thông tin trong thư gửi cổ đông.
Ông Nguyễn Chánh Phương cho biết thủ tục cho doanh nghiệp ở Mỹ phá sản khá nhanh so với các nước khác, song doanh nghiệp này mất đi, sẽ có doanh nghiệp mới thay thế.
“Nhìn từ vụ Noble House, chúng ta lại thấy câu chuyện ‘không bỏ trứng vào một giỏ’. Quy mô doanh nghiệp Việt vừa và nhỏ, việc phân chia tỷ lệ thị trường, đối tác sẽ không hề dễ dàng, tuy nhiên cũng nên có vài khách hàng để giảm bớt rủi ro”, Phó Chủ tịch HAWA nói.
Ngoài ra, ông Nguyễn Chánh Phương cũng nhắc đến một điều “không ổn” khác là nhiều sản phẩm gỗ (gỗ dán, thanh gỗ, dải gỗ…) bị Mỹ liệt kê vào danh sách hàng hóa có nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại.
Ông Phương kỳ vọng sau khi Mỹ sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sau khi hai nước nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, điều này có thể giảm tần suất các vụ điều tra phòng vệ thương mại.
Còn về phía doanh nghiệp, ông Phương cho rằng doanh nghiệp tiếp tục lưu ý đến các yếu tố xuất xứ nguyên liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật mà thị trường đặt ra.
Không bỏ quên thị trường có quy mô 23 tỷ USD/năm
Bên cạnh Mỹ, châu Âu cũng là thị trường tiềm năng của ngành gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu lâm sản sang các khu vực này còn chiếm tỷ trọng thấp.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết nhu cầu tiêu thụ lâm sản, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tại EU đạt trên 23 tỷ USD/năm, tuy nhiên giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt khoảng trung bình 600 triệu USD/năm. Do đó, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều cơ hội để đẩy mạnh sang các khu vực này.
EU là “cái nôi” của hàng lâm sản nên thường đi đầu trong những quy định mới. Theo đó, EU đã thông qua quy định chống phá rừng (EUDR), cấm nhập khẩu những mặt hàng nông lâm sản sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020.
Trao đổi với báo chí, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của tổ chức Forest Trends cho biết kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng gỗ Việt Nam vào EU có tỷ trọng tương đối nhỏ, chỉ khoảng 5 - 6% nhưng đây vẫn nằm trong top thị trường xuất khẩu chính.
Do vậy, ông Phúc cho rằng khi EUDR bắt đầu có hiệu lực, chắc chắn quy định này sẽ tác động đến một loạt các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
“Nhiều doanh nghiệp hiện không tham gia thị trường EU nhưng các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada cũng đã cân nhắc cơ chế tương tự như EUDR. Không còn cách nào khác, doanh nghiệp Việt cần phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho điều này”, ông Tô Xuân Phúc nói.