Doanh nghiệp, HTX tiếp cận kỹ năng bán hàng trên môi trường số
Để nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, Sở Công thương Bắc Kạn chú trọng tổ chức tập huấn các kỹ năng phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm trên internet cho các doanh nghiệp, HTX.
Với kinh doanh truyền thống khi muốn kinh doanh một sản phẩm nào đó người bán hàng phải tính toán tất cả các khâu từ thuê mặt bằng, địa điểm cho đến nhân viên và phải đầu tư một khoản kinh phí khá lớn. Nhưng đối với bán hàng online vấn đề này đã được giải quyết đặc biệt là thông qua tính năng live stream. Live stream là chức năng truyền tải video trực tiếp thông qua môi trường internet, trong đó Facebook và Youtube là 2 phương tiện để live stream nổi tiếng nhất hiện nay. Không những tối giản hóa chi phí đầu tư, live stream còn miễn phí và cho tương tác rất tốt. Trong trường hợp khách hàng bỏ lỡ buổi phát sóng có thể xem lại và bình luận bạn vẫn trả lời khách hàng bình thường như trong các bài đã post.
Tâm lý chung của người mua hàng đều muốn xem sản phẩm một cách chân thật, chi tiết nhất nhưng lại rất ngại đi đến tận nơi để mua nên việc ngồi nhà đặt hàng mà vẫn có thể xem hình ảnh thực tế 100% sẽ rất tiện lợi.
Điều này live stream bán hàng hoàn toàn có thể đáp ứng được, trong khi bài post thông thường chỉ cho khách hàng xem một góc của mặt hàng thì đối với live stream bạn có thể cho khách hàng thấy được tổng thể của sản phẩm.
Trước đây để thực hiện một video quảng cáo phải tìm đến các nhà cung cấp dịch vụ như vậy bị hạn chế về nội dung, ý tưởng và khung giờ phát sóng. Từ khi có live stream, bất cứ lúc nào người bán hàng thấy phù hợp đều có thể bấm máy và thực hiện bán hàng ngay. Đó là những lợi ích bán hàng online qua tính năng live stream mà các diễn giả thương mại điện tử đã chia sẻ tại một hội nghị tập huấn đào tạo về kỹ năng phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm trên internet cho 60 doanh nghiệp, hợp tác xã do Sở Công thương Bắc Kạn vừa tổ chức.
Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương cho biết: Với các sản phẩm nông sản đã xây dựng thương hiệu, để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường HTX đã tiếp cận nhiều kênh bán hàng, trong đó quan tâm đến hình thức bán hàng online. Vì vậy HTX đã cử các thành viên tham gia lớp tập huấn với mong muốn sẽ trang bị những kiến thức, kỹ năng bán hàng bắt nhịp với xu thế hiện nay để áp dụng vào thực tế. Ở nhiều nơi người nông dân đã làm rất tốt, hàng tiêu thụ mạnh, tạo niềm tin với đông đảo khách hàng trên khắp mọi miền. Nông dân ở địa phương chúng tôi hoàn toàn có thể làm được khi được tiếp cận, sẽ triển khai trong thời gian tới.
Theo Sở Công thương, thông qua các lớp tập huấn, các kiến thức về kỹ năng phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm trên internet được truyền đạt tới học viên cụ thể hóa theo cách dễ tiếp cận nhất như: Hướng dẫn cách thức giới thiệu sản phẩm trực tiếp trên môi trường số (live stream), lập kế hoạch, xây dựng kịch bản quảng bá, trình chiếu sản phẩm, thiết kế, xây dựng không gian quảng bá sản phẩm trên môi trường số, phương pháp tương tác hiệu quả, cách thức gói bọc sản phẩm, kỹ năng xây dựng nội dung và hình ảnh hấp dẫn cho các sản phẩm, hỗ trợ, thực hành bán hàng trên các sàn thương mại điện tử…Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều nông dân, thành viên các HTX áp dụng vào thực tế để bán hàng hiệu quả, sản phẩm tiêu thụ tốt, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đến năm 2025 có 40% doanh nghiệp, HTX tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động, trên 500 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp, HTX tự tin bước vào thị trường kinh doanh hiện đại, bắt kịp xu thế./.