Doanh nghiệp hưởng lợi nhờ chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế

Với định hướng lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, ngành Thuế Vĩnh Phúc đã và đang chủ động, tích cực đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ trong quá trình chuyển đổi số thông qua viêc vận hành hệ thống quản lý thuế tập trung và xây dựng môi trường làm việc tích hợp.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng cường cải cách TTHC và chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế giúp nhiều doanh nghiệp hưởng lợi, có thêm điều kiện đầu tư, mở rộng SXKD.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tăng cường cải cách TTHC và chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế giúp nhiều doanh nghiệp hưởng lợi, có thêm điều kiện đầu tư, mở rộng SXKD.

Nhận thức rõ yêu cầu thích ứng với xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Thuế tỉnh không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), cải cách TTHC thuế, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN.

Thực tế cho thấy, phạm vi đối tượng quản lý thuế ngày càng rộng. số lượng DN thành lập mới tăng lên không ngừng, kéo theo lượng thông tin quản lý hoạt động SXKD cũng ngày một tăng lên.

Theo thống kê, riêng lĩnh vực thuế hiện nay có gần 995 nghìn người nộp thuế (NNT) đã được cấp mã số thuế, bao gồm: DN, tổ chức kinh tế, hợp tác xã, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị hành chính sự nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, cá nhân kinh doanh...

Đây là một trong những thách thức lớn mà ngành Thuế đang phải đối mặt. Do đó, đổi mới phương thức quản lý nhằm đảm bảo kiểm soát hệ thống cơ sở dữ liệu NNT là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần phải được ưu tiên hàng đầu.

Cục thuế Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp đẩy mạnh CCHC thuế ở tất cả các khâu: Đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, sử dụng hóa đơn...

Việc thực hiện cắt giảm TTHC và cắt giảm số giờ nộp thuế được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, đảm bảo số giờ thực hiện nộp thuế của người dân và DN trên địa bàn bằng với số giờ nộp thuế bình quân của cả nước.

Công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả giải quyết các TTHC thuế của cơ quan Thuế các cấp đều được thực hiện nhanh, gọn, hiệu quả, đúng thời gian.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về tăng cường ứng dụng CNTT trong tất cả các khâu quản lý thuế, ngành Thuế Vĩnh Phúc không ngừng nâng cao chất lượng vận hành các ứng dụng tin học trong lĩnh vực Thuế.

Hệ thống hạ tầng truyền thông, hệ thống mạng LAN tại Cục Thuế tỉnh và các Chi cục Thuế trực thuộc thường xuyên được nâng cấp, bảo trì, bảo dưỡng.

Đồng thời, chuyển đổi từ việc xử lý thông tin phân tán tại địa phương thành xử lý tập trung tại Cục Thuế tỉnh; triển khai các giải pháp công nghệ quản lý hạ tầng tiên tiến, hiện đại nhằm tăng sự linh hoạt, nâng cao hiệu quả sử dụng, chia sẻ tài nguyên thông tin trên hệ thống và giảm kinh phí đầu tư, tạo tiền đề triển khai, ứng dụng các giải pháp công nghệ của Cuộc cách mạng 4.0 và yêu cầu chuyển đổi số.

Hiện tại, ngành Thuế tỉnh đang sử dụng ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) cho phép quản lý và lưu trữ tập trung các thông tin quản lý tất cả các sắc thuế trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng công tác quản lý hồ sơ, đăng ký thuế, quản lý kê khai, kế toán thuế, quản lý nợ, hoàn thuế...

Khai thác tối đa ưu thế của các ứng dụng quản lý thuế khác, như: Nhật ký thanh, kiểm tra; phân tích rủi ro; quản lý ấn chỉ...

Vận hành ứng dụng hành chính công trực tuyến trong toàn ngành; mở rộng hệ thống dịch vụ thuế điện tử eTax (hệ thống dịch vụ nộp thuế trực tuyến) nhằm tạo thuận lợi cho người dân và DN trong các giao dịch thuế điện tử, giúp cơ quan thuế dễ dàng quản lý NNT dựa trên nền tảng số.

Ngành Thuế Vĩnh Phúc hiện đang phối hợp chặt chẽ với Viettel Vĩnh Phúc và Trung tâm kinh doanh VNPT - Chi nhánh Vĩnh Phúc trong hỗ trợ, đăng ký, phát hành, cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị và DN trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 99% DN đăng ký kê khai và thực hiện nộp thuế điện tử. Tỷ lệ số chứng từ nộp thuế điện tử so với tổng số chứng từ nộp thuế đạt gần 99% và tỷ lệ số tiền nộp thuế điện tử so với tổng số tiền nộp thuế đạt trên 98%; tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ đăng ký thuế bằng phương thức điện tử của toàn ngành đạt trên 95%...

Trao đổi về những lợi ích mà DN có được khi thực hiện các dịch vụ thuế điện tử trong quá trình giao dịch với cơ quan thuế, anh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần dệt Đại An Phú, ở thôn Hùng Vĩ, xã Đồng Văn (Yên Lạc) cho biết:

“Sử dụng các dịch vụ thuế điện tử giúp chủ DN dễ dàng quản lý mọi hoạt động liên quan đến nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, từ đó chủ động thanh toán trong thời gian quy định, đồng thời giảm đáng kể thời gian đi lại nộp hồ sơ, nộp tiền thuế trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế cũng như chi phí in ấn, vận chuyển và lưu trữ hóa đơn; tăng khả năng tích hợp với phần mềm quản lý kế toán của DN”.

Việc triển khai phần mềm ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử cũng giúp cơ quan thuế các cấp kịp thời xử lý, phân tích thông tin nhằm ngăn chặn hóa đơn của các DN bỏ trốn, mất tích; hạn chế tối đa tình trạng làm giả hóa đơn, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho các DN, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển...

Đồng thời, góp phần hỗ trợ ngành Thuế quản lý chặt chẽ và đầy đủ số lượng NNT, kiểm soát việc hoàn thành nghĩa vụ thuế của từng NNT, chống thất thu NSNN..., từng bước hiện đại hóa và chuyển đổi phương thức quản lý phù hợp với xu thế của kỷ nguyên số trong các giai đoạn tiếp theo.

Việt Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/64793/doanh-nghiep-huong-loi-nho-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-thue.html