Loạt 'đại gia' thép sẽ hưởng lợi nếu Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thép Trung Quốc

Kể từ sau khi áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời vào tháng 9/2016, sản lượng tôn mạ nội địa toàn ngành trung bình đạt 450.000 tấn/quý, tăng 18% so với giai đoạn trước khi áp thuế. Cùng với sự tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp sau đó và các phân tích về giá, Chứng khoán BIDV (BSC) tin rằng có cơ sở để Bộ Công thương áp thuế CBPG tạm thời vào đầu năm 2025, và áp dụng thuế CBPG chính thức vào quý III cùng năm.

Có hiện tượng bán phá giá?

Trong báo cáo công bố mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng có hiện tượng bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ do tốc độ giảm giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc có xu hướng nhanh hơn so với giá bán trong nước trong giai đoạn POI và POI -1.

Cụ thể, giá bán trong nước chỉ giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 28%. Điều này cho thấy tác động ép giá của thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc với biên độ >2% trong giai đoạn 2022- 2024.

Từ nhận định trên, công ty chứng khoán cho rằng điều này có gây thiệt hại với các doanh nghiệp trong nước, khi tốc độ tăng trưởng sản lượng của sản phẩm bị điều tra cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng sản lượng nội địa. Theo tổng hợp của BSC, sản lượng sản phẩm bị điều tra từ Trung Quốc tăng 519% cùng kỳ 2023, trong khi sản lượng nội địa tăng 33% trong giai đoạn POI.

Trong giai đoạn 2021- POI, tỷ trọng nhập khẩu từ các quốc gia khác liên tục giảm từ 94% xuống 60%. Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng từ 6% lên 40%. Còn trong giai đoạn POI, Sản lượng nhập khẩu từ các quốc gia khác chỉ tăng 6% so với năm 2021. Với yếu tố trên, BSC cho rằng nhập khẩu từ các nước khác không phải nguyên nhân gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.

Dựa trên các vụ việc trước đó, BSC cho rằng sẽ cần 6-8 tháng để Bộ Công thương có kết luận sơ bộ ví dụ vụ việc áp thuế CBPG thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc năm 2016 mất 8 tháng kể từ ngày khởi xướng. BSC kỳ vọng sớm nhất vào tháng 12/2024 áp thuế CBPG tạm thời và dự báo sẽ áp thuế chính thức vào quý III/2025, theo Điều 70 - Luật quản lý ngoại thương 2017.

Kỳ vọng giá thép tăng 5% trong năm 2024

Trong tháng 5, sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa toàn ngành tăng tới 56% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng xuất khẩu toàn ngành dù giảm 25% so với tháng 4 nhưng tăng 12% so với cùng kỳ. BSC cho rằng xu hướng xuất khẩu có thể chậm nhẹ về cuối năm theo yếu tố mùa vụ và nền kinh tế EU chậm lại.

Trong năm 2025, BSC kỳ vọng sản lượng tôn mạ nội địa toàn ngành tăng 20% nhờ áp thuế CBPG tạm thời vào quý I/2025 và chính thức vào quý III/2025 và thị trường Bất động sản nội địa phục hồi. BSC đưa ra mức tăng trưởng 20% dựa trên cơ sở: Nhìn lại giai đoạn trước đó, ngành tôn mạ nội địa tăng 20% trong năm 2017 sau khi áp thuế CBPG và yếu tố thứ hai là mức nền thấp của năm 2024.

Trong nửa sau năm 2024 - năm 2025, BSC kỳ vọng giá thép sẽ trong xu hướng đi lên. Tại tháng 6, đơn vị phân tích cho rằng giá thép nội địa đang dao động gần vị trí cân bằng về cung – cầu và tương đương với vùng giá tháng 10/2023. Với quan điểm của BSC, sản lượng thép nội địa sẽ phục hồi do thị trường bất động sản quay trở lại, các đại lý sẽ có xu hướng tích trữ hàng tồn kho nhiều hơn trước giai đoạn áp thuế CBPG. Do đó kỳ vọng giá thép tăng 5% trong năm 2024.

Từ những nhận định trên, công ty chứng khoán cho rằng các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát (mã: HPG), Hoa Sen (mã: HSG) Nam Kim (mã: NKG) sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.

Cụ thể, với Hòa Phát, BSC cho rằng kết quả kinh doanh sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 nhờ sản lượng thép trong nước tăng và diễn biến giá thép tích cực hơn. Dự án Dung Quất 2 sẽ sớm được lấp đầy tới 90% vào năm 2026 và giúp HPG tăng quy mô doanh thu năm 2026 tới 60% và tăng lợi nhuận năm 2026 lên 2,46 lần so với năm 2024, nhờ tính kinh tế khi quy mô giúp HPG giảm chi phí sản xuất và thời gian đi vào hoạt động của Dung Quất 2 phù hợp với chu kỳ mới của ngành bất động sản và thép.

Tại Hoa Sen, chuyên gia cho rằng sản lượng tiêu thụ kỳ vọng đạt 1,97 triệu tấn, tăng tới 17% so với cùng kỳ trong năm 2025 nhờ thị trường nội địa phục hồi, áp thuế CBPG thép mạ từ Trung Quốc, giúp HSG đẩy mạnh bán hàng kênh nội địa. Việc HSG đẩy mạnh tỷ trọng kênh nội địa vốn có biên lợi nhuận cao (20%), cùng với đó là diễn biến giá thép HRC thế giới thuận lợi hơn khi nhu cầu thép từ Trung Quốc phục hồi là những yếu tố kỳ vọng giúp biên lợi nhuận đạt 16%, tăng 3,9 điểm % so với năm 2024.

Còn với Nam Kim, BSC phân tích sản lượng tiêu thụ kỳ vọng đạt 934.292 tấn, tăng 7% trong năm 2025 cũng nhờ các yếu tố giống HSG là thị trường nội địa và áp thuế CBPG. Trong đó, sản lượng tiêu thụ nội địa được kỳ vọng đạt 491.711 tấn, tăng 23%, xuất khẩu 442.581 tấn, giảm 7%. Biên lợi nhuận kỳ vọng đạt 11,3%, tăng 0,6 điểm % so với năm 2024.

 Biểu đồ: Mai Trang tổng hợp từ dự phóng của BSC

Biểu đồ: Mai Trang tổng hợp từ dự phóng của BSC

Theo dữ liệu từ Cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu thép mạ kẽm năm 2022 khoảng gần 1 triệu tấn vào năm 2022 và 1,2 triệu tấn vào năm 2023, bằng lần lượt 22% và 27% tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ toàn ngành.

Trước đó, trong giai đoạn năm 2017 - 2022, Bộ Công Thương đã từng áp dụng mức thuế chống bán phá giá 38,34% đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc. Mức thuế trên được chấm dứt vào năm 2022 khi Bộ Công Thương đánh giá nền sản xuất trong nước không còn chịu thiệt hại đáng kể và khó có khả năng tái diễn.

Cũng đánh giá về vấn đề này, SSI Research trong một phân tích gần đây cũng cho rằng, việc áp dụng biện pháp CBPG có thể giúp bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất thép mạ kẽm trong nước như Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á, Hòa Phát trước các sản phẩm nhập khẩu.

Tuy nhiên, SSI Research cho biết, trong trường hợp Bộ Công Thương đồng ý mở cuộc điều tra thì quá trình điều tra có thể kéo dài 12-18 tháng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Như vậy, việc áp thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng sớm nhất vào cuối năm 2025 nên tin tức này chưa có tác động đáng kể trong năm tới.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/loat-dai-gia-thep-se-huong-loi-neu-viet-nam-ap-thue-chong-ban-pha-gia-thep-trung-quoc.html