Doanh nghiệp khó 'cựa' vì văn bản pháp luật chồng chéo
Nhiều động thái thúc đẩy cải cách được các Bộ, ngành chức năng tích cực triển khai, nhưng nhiều DN vẫn phản ánh tình trạng vướng mắc, bất cập khi thực hiện các hoạt động kinh doanh.
Với việc cắt bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh thời gian qua đã giúp môi trường kinh doanh được tự do, an toàn hơn. Song theo phản ánh của nhiều DN, hiện chất lượng của các văn bản pháp luật chưa thực sự tốt, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thực thi còn chậm và chồng chéo... Điều này đã và đang khiến các DN gặp khó khăn trong thực tiễn áp dụng.
Mặc dù nhiều động thái thúc đẩy cải cách được các Bộ, ngành chức năng tích cực triển khai, nhưng nhiều DN vẫn phản ánh tình trạng vướng mắc, bất cập khi thực hiện các hoạt động kinh doanh.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu thực tế, riêng lĩnh vực bất động sản có khoảng 12 Luật tác động đến thị trường. “Tuy nhiên, 12 Luật đề ra lại không có luật nào đồng thuận với luật nào, cho nên DN bất động sản nếu theo Luật Đất đai sẽ vướng Luật Đầu tư, theo Luật Đầu tư lại vướng Luật Xây dựng; theo Luật Xây dựng sẽ vướng Luật Quy hoạch… có nghĩa là tất cả những luật đang luẩn quẩn như một mớ bòng bong”, ông Hiệp ví von.
Cùng với đó, một trong những vấn đề đáng lo ngại là DN ít có cơ hội đóng góp ý kiến đối với bản dự thảo cuối cùng của Thông tư, trước khi được ban hành. Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, gia tăng áp lực, tăng cường năng lực các cơ quan Trung ương trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là rất cần thiết.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần minh bạch hơn nữa về quy trình xây dựng thông tư, thống nhất các tiêu chí về điều kiện kinh doanh, minh bạch về quy định tiếp nhận phản ánh vướng mắc của DN.
“Cần phải có giải pháp để chống chồng chéo, xung đột pháp luật. Do đó cần phải rà soát, kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật - đây phải được coi là giải pháp rất quan trọng. Hiện nay, Chính phủ và Quốc hội rất tích cực trong hoạt động này, tuy nhiên cần phải tăng cường công khai lấy ý kiến DN và người dân. Bất kỳ 1 văn bản pháp luật nào cũng cần minh bạch hóa quy trình soạn thảo, công khai hóa quá trình này giúp văn bản pháp luật ít lỗi nhất, phù hợp thực tế nhất. Từ đó sẽ đảm bảo yếu tố chống việc cài cắm, hay quyền lợi riêng của từng Bộ, ngành”, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất./.