Doanh nghiệp khó huy động vốn khi tài sản phần lớn là trí tuệ
Mặc dù các doanh nghiệp phần lớn là tài sản trí tuệ đã nỗ lực khái niệm hóa, bảo vệ tài sản trí tuệ nhưng hầu hết không thể khai thác thương mại và đối mặt với thách thức trong việc huy động vốn, xác định giá trị.
Sở hữu trí tuệ với tư cách là yếu tố chính thúc đẩy năng suất, tăng trưởng kinh tế đang trở thành tâm điểm chú ý khi các tài sản vô hình chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng tài sản của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong công nghệ.
Theo Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), tài sản trí tuệ tiếp tục đóng vai trò quan trọng và phù hợp trong việc góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và khu vực.
Một phần của các biện pháp chiến lược được AEC đưa ra nhằm phát huy vai trò của tài sản trí tuệ là tăng cường các cơ chế khu vực trong việc phát triển các dịch vụ định giá tài sản trí tuệ để nâng cao nhận thức về giá trị của sở hữu trí tuệ như một tài sản tài chính.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng đã xác định cần phải đưa vấn đề tài chính sở hữu trí tuệ lên làm ưu tiên hàng đầu.
Thực tế, trong khu vực ASEAN, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines đã bắt đầu thúc đẩy sáng kiến Tài chính sở hữu trí tuệ như một phương án tài chính thay thế để giúp các doanh nghiệp định hướng đổi mới tiếp cận với nguồn vốn.
Chia sẻ tại buổi thảo luận về “Định giá tài sản trí tuệ (Value IP) và giới thiệu phần mềm định giá tài sản trí tuệ”, sáng ngày 23/8, ông Lê Đức Thắng - Trưởng Văn phòng Le & Partner cho rằng, các doanh nghiệp đã nỗ lực rất nhiều để khái niệm hóa và bảo vệ tài sản trí tuệ của họ.
“Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp không thể khai thác thương mại các tài sản trí tuệ này và đối mặt với thách thức trong việc huy động vốn và xác định giá trị ở những doanh nghiệp mà tài sản phần lớn là tài sản trí tuệ”, ông Thắng nói.
Các đại biểu tham dự thảo luận “Định giá tài sản trí tuệ (Value IP) và giới thiệu phần mềm định giá tài sản trí tuệ”.
Các phương pháp định giá tài sản trí tuệ thông thường tốn kém và mất thời gian, gây khó khăn đối với các công ty không có nguồn lực và tài chính dồi dào.
Do đó, nếu không được tiếp cận với định giá sở hữu trí tuệ chính xác và đáng tin cậy, các cơ hội nhận được sẽ thấp hơn hoặc thậm chí gần bằng 0 đối với các doanh nghiệp.
Với phần mềm định giá tài sản trí tuệ (Value IP), các công ty thuộc mọi quy mô và ngành có thể xác định được chính xác giá trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình. Đóng góp phần lớn rất lớn trong việc xác lập giá trị doanh nghiệp để đạt được mục tiêu tăng trưởng và thúc đẩy nâng cao chỉ số sáng tạo của Việt Nam trên bản đồ chỉ số sáng tạo thế giới.