Tiền Giang: Doanh nghiệp khó khăn do giá lúa, gạo giảm sâu
Những ngày gần đây, giá gạo giảm sâu cộng thêm tình hình xuất khẩu gặp khó nên nhiều doanh nghiệp xay xát, chế biến gạo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang lâm vào cảnh điêu đứng. Nhiều nhà máy phải xả hàng, bán gạo với giá rẻ cho người dân.
Theo ghi nhận, hiện giá lúa tươi IR 50404 trên địa bàn tỉnh dao động ở mức 6.200 - 6.400 đồng/kg, Đài Thơm 8 từ 7.600 - 7.800 đồng/kg, OM 5451 là 6.500 - 6.700 đồng/kg, OM 18 từ 7.600 - 7.800 đồng/kg; Nàng Hoa 9 khoảng 9.200 đồng/kg.
Riêng gạo nguyên liệu OM 380 dao động ở mức 7.550 - 7.700 đồng/kg, IR 50404 khoảng 7.800 - 8.000 đồng/kg. Với mức giá này, trung bình giá lúa, gạo trên địa bàn tỉnh đã giảm khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với trước.
Việc giá lúa, gạo giảm sâu đã khiến các doanh nghiệp xay xát, chế biến lúa gạo điêu đứng. Nhiều nhà máy buộc phải xả kho, bán gạo cho người dân với giá rẻ. Dọc theo đường tỉnh 868 thuộc TX. Cai Lậy, nhiều nhà máy xay xát bày gạo ra bên lề đường và treo bảng giảm giá.
Cụ thể, giá gạo Sa Mơ được bán với giá 600.000 đồng/bao loại 50 kg, gạo thơm 750.000 đồng/bao. Mức giá này giảm khoảng 200.000 đồng/bao so với cách đây khoảng nửa tháng.
Ông T., chủ một nhà máy xay xát tại TX. Cai Lậy cho biết, nguyên nhân khiến các nhà máy xay xát bán gạo lẻ trong những ngày qua là do giá gạo xuất khẩu xuống thấp. Các nhà máy đồng loạt bán lẻ cho người dân để cắt lỗ.
Ngoài việc bày bán tại kho, cũng có trường hợp doanh nghiệp dùng xe tải vận chuyển đến vùng sâu để bán cho người dân. Ghi nhận tại một bãi đất trống gần UBND xã Tân Phú, TX. Cai Lậy vào sáng 18-1, hàng chục người dân vây quanh một chiếc xe tải chở gạo để mua gạo giá rẻ. Chiếc xe tải này bán gạo Sa Mơ và thơm với giá lần lượt là 600.000 đồng và 750.000 đồng/bao loại 50 kg.
Theo chủ một doanh nghiệp chuyên cung ứng gạo tại xã An Cư, huyện Cái Bè, những ngày qua, giá gạo trên địa bàn giảm rất mạnh.
Chủ doanh nghiệp này chia sẻ: “Đợt này giá gạo giảm sâu và nhanh nên doanh nghiệp nào chưa ký hợp đồng được xuất khẩu sẽ lỗ. Doanh nghiệp nào trữ gạo nhiều thì đợt này lỗ nặng, kể cả thương lái. Các nhà máy do trong kho còn nhiều gạo quá mà xuất hàng không được nên mới xả hàng để xoay nguồn tiền”.
Còn theo ông Huỳnh Văn Danh, Giám đốc Công ty TNHH Vinh Hiển (huyện Gò Công Tây), hiện giá gạo đang giảm mạnh so với khoảng hơn 1 tháng trước, không riêng gì giá gạo xuất khẩu mà kể cả gạo nội địa. Cụ thể, giá gạo thơm giảm khoảng 3.000 đồng/kg, gạo thường giảm từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Giá lúa thơm tại khu vực Gò Công hiện giảm còn khoảng 6.500 đồng/kg.
Điều này dẫn đến các doanh nghiệp xay xát, chế biến gạo điều thua lỗ. Nguyên nhân là do doanh nghiệp vừa thu mua lúa của nông dân với giá cao để xay xát. Tuy nhiên, giá gạo lại giảm nhanh nên thua lỗ nặng.
“Giá lúa, gạo như hiện nay, doanh nghiệp và nông dân đều gặp khó. Ai ký hợp đồng trước mà thời điểm này giao hàng thì có lời, còn ai không ký được hợp đồng mà ôm hàng đến thời điểm này thì lỗ nặng. Từ trước đến nay, giá gạo có giảm nhưng mỗi đợt cũng chỉ khoảng vài trăm đồng/kg, nhưng đợt này chỉ trong 1 tháng mà giảm tới khoảng 2.000 đồng/kg. Doanh nghiệp trở tay không kịp nên thua lỗ nặng” - ông Huỳnh Văn Danh cho biết thêm.
Theo lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất hiện nay của Việt Nam là Philippines, Indonesia… Theo các thương nhân xuất khẩu gạo, hiện Ấn Độ đã bãi bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo. Lượng gạo dồi dào đang tạo ra sức ép giảm giá trên thị trường. Lượng gạo dự trữ cao cho phép Ấn Độ tăng cường xuất khẩu mà không làm ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.
Philippines là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện đã tạm ngừng nhập khẩu gạo. Bên cạnh đó, kế hoạch hợp tác giữa Philippines và các nước như Pakistan, Ấn Độ cũng gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Với Indonesia, vừa qua, giới chức trách nước này đã tuyên bố sẽ không nhập khẩu một số sản phẩm nông sản, bao gồm gạo trong năm 2025. Nguyên nhân là do nguồn dự trữ và sản lượng trong nước dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu.
Thay vào đó, Indonesia sẽ thu mua gạo của nông dân trong nước để dự trữ. Đây đều là các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Do đó, việc hạn chế nhập khẩu gạo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của các đơn vị trong nước. Bên cạnh đó, vào đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa có đơn hàng mới nên xuất khẩu gạo giảm.