Doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách giảm thuế với khô dầu đậu tương
Doanh nghiệp (DN) không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ về giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi (TACN).
Vướng mắc về mã số hàng hóa mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa gửi kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ giảm thuế
Theo Nghị định 144/2024/NĐ-CP ngày 01/11/2024, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng khô dầu đậu tương có mã số hàng hóa 23040090 đã được giảm từ 2% xuống 1%. Theo các doanh nghiệp nhóm ngành hàng thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi Việt Nam, sự điều chỉnh này là động lực quan trọng góp phần giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả lương thực, thực phẩm trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, từ khi Nghị định 144/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 16/12/2024, doanh nghiệp không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ về giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Cụ thể, từ đầu tháng 12/2024, các Chi cục hải quan TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu áp mã số hàng hóa đối với mặt hàng này là 23040029, có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 2%. Trong khi đó, từ trước tháng 12/2024, bao gồm cả thời gian sau khi Thông tư 31/2022/TT-BTC có hiệu lực, các doanh nghiệp luôn khai báo khô dầu đậu tương nhập khẩu dùng làm thức ăn chăn nuôi theo Mã số hàng hóa 23040090 (có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 1%) trên hệ thống VNACC/VCIS của Tổng cục Hải quan và hệ thống đăng ký kiểm tra chuyên ngành của Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Như vậy, ở đây có sự khác biệt, chưa thống nhất về mã số hàng hóa, và cùng với đó là thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi, đối với mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi giữa việc triển khai Nghị định 144/2024/NĐ-CP của Tổng cục Hải quan với quy định hiện hành của Cục Bảo vệ thực vật và thông lệ thực hiện của các doanh nghiệp.
Tình hình này không chỉ làm tăng thời gian thông quan hàng hóa, phát sinh thêm chi phí mà còn dẫn đến tâm lý hiểu nhầm hoặc nghi ngờ của doanh nghiệp và dư luận đối với chủ trương, chính sách, và tính đồng bộ, khách quan trong các quy định của cơ quan quản lý.
Nghị định 144/2024/NĐ-CP được ban hành kỳ vọng sẽ hỗ trợ đáng kể để ngành chăn nuôi, thủy sản, thức ăn chăn nuôi giảm bớt áp lực, hạ chi phí nguyên liệu đầu vào, chủ động nguồn cung, và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, tình hình vướng mắc hiện nay nếu còn tiếp diễn thì sẽ đi ngược với kỳ vọng của dư luận về điều chỉnh chính sách.
Và những vướng mắc khác
Ngoài vướng mắc về thông quan hàng hóa nói trên, ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi còn đang phải đối mặt với những khó khăn khác. Cụ thể, từ khi Nghị định 144/2024/NĐ-CP có hiệu lực ngày 16/12/2024 đến nay, chỉ trong nửa tháng giá khô dầu đậu tương trên thị trường thế giới và trong nước đã bất ngờ tăng mạnh hơn 12% do những biến động về cung - cầu. Điều này ảnh hưởng nhiều đến chi phí sản xuất trong khi giá bán không thể tăng tương ứng do sức mua thị trường trong nước còn yếu và dẫn đến rủi ro sản lượng ngành thức ăn chăn nuôi cầm chừng, bấp bênh.
Bên cạnh đó, hiện có sự chênh lệch về thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng này giữa các nước xuất khẩu có các Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (Ấn Độ, ASEAN…) - được hưởng thuế suất 0% - với những nước khác khác. Các doanh nghiệp trong ngành vì thế bị giới hạn về phạm vi nguồn gốc hàng hóa và khó tiếp cận các quốc gia có sự ổn định nhiều hơn về sản lượng và chất lượng khô dầu đậu tương (Mỹ, Argentina, Brazil…).
Đồng thời, nếu thuế suất thuế nhập ưu đãi đối với khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi đều được áp dụng ở mức 1% thì có thể góp phần tăng sản lượng nhập khẩu và hài hòa cán cân thương mại với Mỹ, tránh nguy cơ bị chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump áp dụng các biện pháp giám sát và tự vệ thương mại gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Để giải quyết những vấn đề, vướng mắc trên, ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - đề nghị các cơ quan chức năng xem xét kịp thời đưa ra giải pháp điều chỉnh, giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi có mã số hàng hóa 23040029 từ 2% xuống 1%, bằng với thuế suất của mã số hàng hóa 23040090.
Đồng thời, đề xuất các doanh nghiệp được phép hồi tố hoàn thuế nhập khẩu cho các lô hàng khô dầu đậu tương dùng làm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu từ ngày 16/12/2024 theo Nghị định 144/2024/NĐ-CP.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp năm 2024 ước đạt 21,5 triệu tấn (tăng 3,4% so với năm 2023), trong đó thức ăn chăn nuôi cho lợn chiếm 55,3% (11,9 triệu tấn), thức ăn chăn nuôi cho gia cầm chiếm 40,9% (8,8 triệu tấn), còn lại 3,7% là thức ăn cho vật nuôi khác.
Bên cạnh những thuận lợi, thì hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phụ thuộc lớn và nguyên liệu nhập khẩu (trên 65% nguyên liệu thô, trên 90% thức ăn bổ sung); ảnh hưởng khi có biến động tỷ giá USD, ảnh hưởng của xung đột địa chính trị ở một số khu vực, chi phí logistics vẫn ở mức cao (tăng 15-20% so với trước đợt dịch Covid-19 và chưa có dấu hiệu giảm); chi phí marketing, phân phối sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh liên kết theo chuỗi trong sản xuất chăn nuôi yếu, bị gián đoạn, thiếu bền vững; thức ăn chăn nuôi được phân phối qua trung gian làm tăng thêm chi phí khi đến tay người chăn nuôi...