Doanh nghiệp khoa học và công nghệ:Thúc đẩy phát triển bằng cách nào?
Doanh nghiệp khoa học và công nghệ không chỉ là cầu nối đưa nhanh các nghiên cứu vào ứng dụng trong sản xuất mà còn đóng vai trò như một lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, đóng góp cho việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát triển lực lượng doanh nghiệp tiên phong này là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển khoa học, công nghệ của Thủ đô.
Vẫn còn nhiều bất cập
Với mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của khu vực, Hà Nội đã và luôn quan tâm đến việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Khách hàng trải nghiệm sản phẩm của Công ty cổ phần Công nghệ Plasma Việt Nam tại sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Tính đến hết năm 2024, Thủ đô đang dẫn đầu với 181 doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã được chứng nhận trên tổng số 920 doanh nghiệp khoa học và công nghệ của cả nước. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, số doanh nghiệp khoa học và công nghệ được chứng nhận của Hà Nội còn rất khiêm tốn so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.
Đặc biệt, chỉ có khoảng 1/4 (44) doanh nghiệp khoa học và công nghệ được hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ là tài sản trí tuệ (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp) đã được cấp bằng bảo hộ. Số tài sản trí tuệ được thương mại hóa này chưa tương xứng với tiềm năng các tài sản trí tuệ của Hà Nội trong cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ.
Lý giải vấn đề này, theo các chuyên gia, là do cơ chế, chính sách để hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập. Có nhiều doanh nghiệp tiềm năng hội tụ đủ điều kiện để được coi là doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhưng gặp khó khăn trong việc trình bày và minh chứng trong hồ sơ.
“Vấn đề chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp là một trong các nội dung quan trọng trong hồ sơ đăng ký chứng nhận. Tuy nhiên, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu chưa được các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu độc lập chú trọng. Hơn nữa, với trình độ phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam hiện nay, các điều kiện đối với bảo hộ sáng chế khiến cho nhiều sản phẩm không đáp ứng được. Ngoài ra, tình trạng nợ đọng đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ cũng làm nản lòng doanh nghiệp” - bà Lê Thanh Hiếu, nguyên Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) chỉ rõ.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, thương mại hóa nghiên cứu còn thiếu và chưa đồng bộ. Số doanh nghiệp được hỗ trợ đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới còn ít so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn. Quy định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu thực hiện theo phương thức tuyển chọn với tổng thời gian từ lúc hình thành ý tưởng, nộp đề xuất đến lúc nghiệm thu kéo dài ít nhất 3 năm khiến các doanh nghiệp không mặn mà.
Trong khi đó, chính sách hiện hành không khuyến khích được doanh nghiệp cùng Nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ. Cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn chưa đồng bộ, thiếu hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi để doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan áp dụng, thực hiện...
Phấn đấu hoàn thành mục tiêu
Tại Kế hoạch số 49/KH-UBND, ngày 28-2-2020 về Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 có 200 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; đến năm 2030 có gấp đôi (400) doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Theo bà Lê Thanh Hiếu, cùng với số doanh nghiệp hiện có, với tốc độ như 3 năm vừa qua, mỗi năm có 20 doanh nghiệp khoa học và công nghệ được chứng nhận, thì đến cuối năm nay Hà Nội có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.
Để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Anh Tuấn, Hà Nội nên tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách: Tạo lập khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, thống nhất; cải cách thủ tục hành chính, giảm rào cản gia nhập thị trường và hoạt động; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường, đổi mới các chính sách ưu đãi tài chính (thuế, vốn, tài trợ...); cải thiện, mở rộng các hình thức hỗ trợ phi tài chính (hạ tầng, dịch vụ). Hà Nội cũng cần thúc đẩy đăng ký và khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ; tăng cường kết nối hiệu quả giữa viện/trường - doanh nghiệp - nhà đầu tư; phát triển thị trường công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao; xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động...
“Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Luật Thủ đô 2024, Nghị quyết số 193/2025/QH-15 và Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn Thủ đô tăng cả về số lượng và chất lượng, xứng đáng là một trong 4 lực lượng khoa học và công nghệ chiến lược, có vai trò dẫn dắt những lĩnh vực then chốt, những định hướng trọng điểm và công nghệ chiến lược của Hà Nội và đất nước” - ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định.