Doanh nghiệp chuẩn bị ứng phó trước chính sách thuế quan mới

Cuộc chiến thương mại trên thế giới đang rất căng thẳng khi các quốc gia tuyên bố sẽ thực hiện áp thuế qua lại lẫn nhau. Trong khi đó, Việt Nam và một số nước đang tìm giải pháp để đàm phán với chính phủ Mỹ nhằm có mức thuế hợp lý.

Sản phẩm của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia một sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức. Ảnh: V.Gia

Sản phẩm của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia một sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức. Ảnh: V.Gia

Khảo sát từ các doanh nghiệp (DN) cho thấy, dù có lo lắng, họ vẫn tin vào các chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, DN tự tìm cách thích ứng với biến động và tìm kiếm cơ hội của riêng mình.

Bình tĩnh, thận trọng, tái cấu trúc

Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng cho hay, tuy lo lắng song các DN vẫn đang bình tĩnh để tìm cách ứng phó. Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai nắm tình hình từ các DN để có những khuyến cáo và kiến nghị giải pháp đối với cơ quan nhà nước nhằm hỗ trợ DN.

Dự báo tới đây, thương mại thế giới sẽ có nhiều thay đổi nên DN cần có chiến lược, phương án kinh doanh phù hợp với tình hình mới, đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường.

Theo số liệu của Chi cục Thống kê Đồng Nai, các DN trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu sử dụng lao động cao. Quý I-2025, chỉ số sử dụng lao động tăng hơn 7,1% so với cùng kỳ năm 2024, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. DN có nhiều đơn hàng hơn nên nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, nhất là DN sử dụng lao động ở các ngành da giày, may mặc...

Theo ông Hưng, thị trường nội địa hơn 100 triệu dân của Việt Nam là quy mô lớn và mức sống đang tăng nhanh nên các DN cần thiên về nội địa, tập trung khai thác tiềm năng, sức mạnh của quốc gia mình.

Đối với các DN ngành gỗ, các đơn vị cho tăng ca sản xuất để đáp ứng kịp thời các đơn hàng trong quý II-2025 một cách thuận lợi nhất; đồng thời, tìm giải pháp để có thể đưa hàng hóa, sản phẩm đến các quốc gia khác nhiều hơn.

Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài, ngành gỗ đang đối mặt với áp lực lớn, khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm trên 55% xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Đây là thời điểm quan trọng để ngành gỗ nhìn lại mô hình phát triển và tìm cách tái cấu trúc. Trong đó đa dạng hóa thị trường là câu chuyện nói đến đã lâu nhưng lúc này cần quyết tâm thực hiện.

Ngoài Mỹ thì các thị trường khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan gần với Việt Nam, điều quan trọng là DN cần hiểu được thói quen tiêu dùng của họ. DN thay vì cung ứng những công đoạn đơn giản thì nên có giải pháp tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, nhất là khâu thiết kế sản phẩm và định vị thương hiệu.

Tìm cơ hội trong khó khăn

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn (ở Thành phố Hồ Chí Minh) Vũ Mạnh Hùng, thương chiến thuế toàn cầu đang diễn ra khốc liệt, thị trường tài chính trong nước cũng có nhiều biến động khó lường. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp, đặc biệt là các DN xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Á, vẫn ghi nhận sự ổn định, thậm chí tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng như chuối, sầu riêng và thịt heo vẫn tăng đều đặn cả trong và ngoài nước, bất chấp căng thẳng thương mại. Đây là nhóm hàng ít chịu tác động từ biến động chính trị, có đà phát triển ngay cả trong bối cảnh khó khăn. Vì vậy, căng thẳng thuế quan chính là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam điều chỉnh chiến lược, nâng cao khả năng cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Tương tự, Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food, ở Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) vừa tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 24% so với năm trước. Công ty sẽ đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ cao để tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí và tăng cường hiệu quả kinh doanh.

Chủ tịch HĐQT GC Food Nguyễn Văn Thứ nhận định, việc Mỹ hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày là một tín hiệu tích cực. Điều này mang đến thời gian vàng cho các DN Việt Nam.

Theo ông Thứ, mức thuế 10% có hiệu lực từ ngày 5-4 vẫn nằm trong khả năng chịu đựng của nhiều DN, chưa gây ra tác động nhiều đến giá thành sản phẩm. Riêng GC Food, tỷ lệ nguyên liệu nội địa cao nên sẽ duy trì được sức cạnh tranh về giá khi xuất khẩu sang Mỹ. Đồng thời, công ty xuất khẩu sản phẩm qua Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc khá tốt nên sẽ bớt rủi ro.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202504/doanh-nghiep-chuan-bi-ung-pho-truoc-chinh-sach-thue-quan-moi-e9d5026/