Doanh nghiệp khốn đốn vì sự bất nhất của chính quyền - Bài 3: Nguy cơ trắng tay vì những quyết định hành chính
Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Đào Anh Kiệt thời đương chức đã tước đi quyền thuê đất, cơ hội đầu tư của Công ty Thuận Hưng, khi mảnh đất mà doanh nghiệp đã đền bù giải tỏa được Thành phố hoán đổi, nhưng lại đem đất hoán đổi đó giao doanh nghiệp khác. Chưa kể, UBND TP.HCM hứa giao một phần đất còn thiếu cho doanh nghiệp trong 1 tháng, nhưng tới nay đã 25 năm vẫn chưa xong sổ đỏ.
Bài 3: Nguy cơ trắng tay vì những quyết định hành chính
Chấp nhận hoán đổi đất do mình tự bỏ tiền bồi thường, để rồi, gần 8,3 ha đất được hoán đổi khi thành “đất vàng” thì rơi vào tay người khác; 2,3 ha còn lại sau 25 năm vẫn chưa nhận được sổ đỏ, nhiều năm trời “gõ cửa quan”, nhưng chưa có kết quả, Công ty Thuận Hưng không chỉ tuột đi cơ hội đầu tư kinh doanh, mà còn đang phải đối mặt với nguy cơ trắng tay.
Quay cuồng với các cơ quan chức năng
Ở khu đất được hoán đổi 8,3 ha, trong khi Công ty Thuận Hưng đang thực hiện các thủ tục và triển khai phương án tài chính hoàn trả lại tiền cho Công ty CP Bình Điền, thì bất ngờ, ngày 4/9/2015, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lúc đó, đã tham mưu UBND TP.HCM thu hồi đất của Công ty Thuận Hưng và giao cho Công ty CP Bình Điền thuê.
Ngày 8/12/2015, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM lúc bấy giờ ra Quyết định số 6525 thu hồi 8,3 ha đất của Công ty Thuận Hưng để cho Công ty CP Bình Điền thuê.
Kêu cứu nhiều năm, cho rằng, việc tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường không đúng và việc cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi 8,3 ha là “tiền hậu bất nhất” với chính chỉ đạo của một Phó chủ tịch UBND TP.HCM khác, Công ty Thuận Hưng đã kiến nghị cơ quan chức năng hủy bỏ quyết định thu hồi đất của mình.
Ngày 2/10/2019, Văn phòng UBND TP.HCM có Văn bản khẩn số 9056 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với sở, ngành báo cáo đề xuất trình UBND Thành phố.
Tại Văn bản số 9676 ngày 11/11/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM do ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở ký ban hành, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng, Ban Quản lý khu Nam là cơ quan quản lý nhà nước tại Khu đô thị mới Nam Thành phố (nơi có khu đất 8,3 ha của Công ty Thuận Hưng). “Ban Quản lý khu Nam đã tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành Quyết định 6525 về thu hồi và cho Công ty CP Bình Điền thuê đất… Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND TP.HCM giao Ban Quản lý khu Nam kiểm tra rà soát hồ sơ pháp lý báo cáo đề xuất UBND TP.HCM…”, Văn bản số 9676 ghi rõ.
Chưa hết, đối với diện tích gần 2,3 ha mà doanh nghiệp chấp nhận hoán đổi tới 2 lần, UBND TP.HCM đã có Quyết định số 6435 ngày 4/12/2015 chấp thuận cho Công ty Thuận Hưng đầu tư Dự án Khu dân cư Thuận Hưng trên diện tích hoán đổi. Theo quyết định này, doanh nghiệp được yêu cầu tới Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM để lập thủ tục cấp sổ đỏ, nhưng liên tục nhiều năm từ đó tới nay, Công ty Thuận Hưng vẫn đang tiếp tục… đề nghị được cấp sổ.
Ngày 14/10/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có văn bản gửi UBND TP.HCM cho rằng, Dự án Khu dân cư Thuận Hưng do Ban Quản lý khu Nam quản lý và tham mưu UBND TP.HCM giao Ban Quản lý khu Nam phối hợp Sở Xây dựng TP.HCM xem xét giải quyết kiến nghị của Công ty Thuận Hưng. Tuy nhiên, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan giao Ban Quản lý khu Nam, Sở Xây dựng cùng với với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư… rà soát hồ sơ pháp lý, đối chiếu quy định pháp luật để tham mưu đề xuất hướng xử lý.
Tại văn bản mới nhất ngày 11/11/2019 gửi UBND TP.HCM theo yêu cầu giải quyết đơn của Công ty Thuận Hưng, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vẫn “khăng khăng” kiến nghị UBND TP.HCM giao trách nhiệm cho Ban Quản lý khu Nam và sở, ngành khác.
Trước đây, UBND TP.HCM đề nghị hoán đổi đất và “lồng” vào yêu cầu chủ đầu tư phải phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở (2014). Yêu cầu này đã khiến Công ty Thuận Hưng cùng nhiều sở, ngành tốn thời gian tham mưu, đề xuất và được chấp thuận không phải dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, bởi dự án này đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương từ năm 2003, trước khi có quy định nói trên.
Lần này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lại “tham mưu” UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, có ý kiến về việc Công ty Thuận Hưng có thực hiện theo Quyết định số 5166 ngày 2/10/2017 của UBND TP.HCM về quy chế phối hợp giải quyết thủ tục “quyết định chủ trương đầu tư” theo quy định tại Luật Đầu tư đối với dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn TP.HCM. Trong khi, việc này đáng lẽ cần đưa vào từ các năm trước, trong quy trình, chứ không phải khi doanh nghiệp bức xúc khiếu nại kêu cứu.
Và trong khi cơ quan chức năng liên tục tham mưu “qua lại”, thì đã 25 năm kể từ ngày Công ty Thuận Hưng chấp nhận hoán đổi đất (năm 1994), mà vẫn chưa được cấp sổ đỏ dự án, dẫn tới quá hạn phải thực hiện xong Khu dân cư Thuận Hưng theo “lệnh” của UBND TP.HCM (hạn tới ngày 4/12/2019). Tình huống này có thể đẩy doanh nghiệp vào thế trắng tay, nếu dự án bị thu hồi.
Khởi kiện UBND TP.HCM
Quay cuồng, kêu cứu đến bất lực ở TP.HCM, Công ty Thuận Hưng đã làm đơn gửi Bộ Tư pháp kiến nghị hủy bỏ, thu hồi quyết định thu hồi 8,3 ha đất của UBND TP.HCM.
Ngày 24/9/2019, Bộ Tư pháp có Văn bản số 3665 cho hay, Quyết định số 6525 của UBND TP.HCM là văn bản hành chính cá biệt để áp dụng thực hiện pháp luật về thu hồi đất và giao đất, không chứa quy phạm pháp luật. Đối chiếu theo quy định, thì Bộ Tư pháp không có thẩm quyền kiểm tra thu hồi.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, nếu thấy quyết định này trái luật, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thì Công ty Thuận Hưng có thể thực hiện việc khiếu nại hoặc khởi kiện ra Tòa án.
Công ty Thuận Hưng đã làm đơn khởi kiện quyết định hành chính số 6525 của UBND TP.HCM ra Tòa án Nhân dân TP.HCM vì cho rằng, quyết định này đã đẩy doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh hoàn toàn mất đất và “hơn 25 năm phải liên tục kiến nghị lên các cấp chính quyền để giải quyết vụ việc, gây thiệt hại về tài sản, thời gian và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp”.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc
Liên quan vụ việc, mới đây, ông Lê Quốc Trung, Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 6456/BTNMT-TTr gửi UBND TP.HCM.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, đã cử Đoàn công tác gồm 3 thanh tra viên thuộc Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) vào TP.HCM.
Đoàn công tác có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan đến khu đất “hoán đổi” của Công ty Thuận Hưng để kiến nghị, đề xuất Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật.
Hiện Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào TP.HCM làm việc và đề nghị UBND cùng các cơ quan liên quan ở TP.HCM cung cấp hồ sơ, tài liệu, cử cán bộ tham gia, phối hợp làm sáng tỏ vụ việc trên.
Trong một diễn biến khác, mới đây đã diễn ra cuộc họp giữa các cơ quan chức năng của TP.HCM liên quan đến khu đất 2,3 ha của Công ty Thuận Hưng tại xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh).
Các cơ quan chức năng đã thống nhất đề xuất rà soát nguồn gốc pháp lý, quá trình thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và nguồn gốc số tiền bồi thường liên quan đến khu đất 2,3 ha mà UBND TP.HCM đã chủ trương giao cho Công ty Thuận Hưng.
Đồng thời, UBND huyện Bình Chánh đã yêu cầu Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn có văn bản thể hiện chính kiến về nguồn gốc pháp lý khu đất, quá trình thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và nguồn gốc số tiền chi trả trong công tác bồi thường của dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phải báo cáo kết quả giải quyết lên Thủ tướng trước ngày 15/1/2020
Ngày 24/9/2019, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 8593 truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình liên quan vụ việc kiến nghị của Công ty Thuận Hưng.
Theo đó, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND TP.HCM kiểm tra làm rõ một số nội dung kiến nghị của Công ty Thuận Hưng xung quanh Quyết định 6525 do cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín ký thu hồi đất của doanh nghiệp và cho Công ty CP Bình Điền thuê. Kết quả giải quyết phải được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/1/2020.