Doanh nghiệp không nắm bắt được cơ hội có thể bị phá sản

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc không nắm bắt cơ hội chuyển đổi số sẽ khiến doanh nghiệp bị tụt hậu và thậm chí là phá sản. Để thành công trong cuộc đua này, doanh nghiệp cần chủ động thay đổi, đầu tư vào công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Sáng 18/10, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo "Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp phải làm gì?” nhằm phân tích, đánh giá cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, TS.Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, nước ta đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới với những cơ hội chưa từng có để vươn mình, song kèm với đó là những khó khăn, thách thức nghiệt ngã chưa từng thấy do những biến động dữ dội của địa chính trị và kinh tế thế giới, những rủi ro về biến đổi khí hậu, những đòi hỏi bức bách về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số từ những yếu kém nội tại và những bất cập về cơ chế chính sách.

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và truyền thông, nền tảng của chuyển đổi số sẽ làm tăng thêm tính cạnh tranh cho các DN, cho phép các công ty dễ dàng cung cấp cho khách hàng sự hiện diện toàn cầu. Internet có xu thế tạo lợi nhuận cho cả công ty lớn và nhỏ. Thông qua các website của mình, các công ty nhỏ cũng có thể đạt được một doanh thu như một công ty lớn mà điều này dường như không tưởng trong môi trường thương mại truyền thống.

Chuyển đối số còn giúp các doanh nghệp tối ưu hóa quy trình, sắp xếp hợp lý các quy trình công việc, quy trình kỹ thuật số và các tác vụ tự động là tất cả các cách tổ chức có thể tạo ra hiệu quả và đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 đang xảy ra trên toàn cầu.

GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng, thực tế tại Việt Nam thời gian qua đã cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ tài chính như Mobile Banking, Mobile Commerce, E - Commerce và các ngành dịch vụ, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngày càng được hoàn thiện với những nỗ lực cả từ Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Việt Nam được đánh giá là thị trường thương mại điện tử năng động bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Ông Lê Hồng Việt - Tổng giám đốc Công ty TNHH FPT Smart Cloud cho rằng, đất nước ta đang đứng trước một cơ hội "vàng" để trở thành một cường quốc công nghệ mới nổi. Với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là AI tạo sinh (GenAI), Việt Nam hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội này để phát triển các sản phẩm "made-in-Vietnam" chất lượng cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Bloomberg dự báo, thị trường GenAI sẽ tăng trưởng chóng mặt trong thập kỷ tới, mở ra một không gian phát triển vô cùng rộng lớn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ông Việt nhấn mạnh, Việt Nam tuy khởi đầu muộn hơn so với các cường quốc công nghệ khác nhưng lại sở hữu những lợi thế riêng như chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo và đặc biệt là sự năng động của cộng đồng khởi nghiệp. Đây là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam có thể "bứt phá" và trở thành "con rồng" công nghệ tiếp theo của châu Á.

Việc phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực công nghệ chủ chốt như AI và bán dẫn không chỉ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, nguồn nhân lực về công nghệ số, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông vẫn là vấn đề được nhiều doanh nghiệp chú trọng nhưng vẫn là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương đã năm 2019 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng về công nghệ thông tin vẫn dao động trên dưới 30% và không có sự thay đổi lớn. Năm 2018 có 28% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng này, năm 2017 là 31% và năm 2016 là 29%.

Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) tại Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 cho thấy, 69% doanh nghiệp được khảo sát không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai chuyển đổi số, 72% không biết bắt đầu từ đâu, 92% không biết chuyển đổi số như thế nào.

Còn theo Báo cáo chuyển đổi số doanh nghiệp 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì có đến 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là bởi chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao, ảnh hưởng đến chi phí đầu tư, triển khai, duy trì các giải pháp cho chuyển đổi số cho chuyển đổi số.

GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng, việc ứng dụng công nghệ đặc biệt công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động quản trị doanh nghiệp còn rất nhiều hạn chế, nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công nghệ trong quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế số với áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, GS-TSKH Nguyễn Mại kiến nghị Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng một hệ sinh thái số đồng bộ, bao gồm thể chế, luật pháp, chính sách kinh tế số, và các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

GS-TSKH Nguyễn Mại đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm túc cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc không nắm bắt cơ hội chuyển đổi số sẽ khiến doanh nghiệp bị tụt hậu và thậm chí là phá sản. Để thành công trong cuộc đua này, doanh nghiệp cần chủ động thay đổi, đầu tư vào công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-khong-nam-bat-duoc-co-hoi-co-the-bi-pha-san-156874.html