Những phụ nữ giàu nghị lực

Tuy bị khiếm khuyết nhưng không để trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, nhiều phụ nữ khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã vượt lên số phận, khẳng định bản thân, trở thành người có ích. Các chị là những tấm gương giàu nghị lực sống, đã và đang truyền lửa cho nhiều phụ nữ khác vươn lên.

Vượt lên số phận

4 giờ sáng, bà Võ Thị Kim Hoàn (sinh năm 1979, trú Tổ dân phố Phú Hải, phường Cam Phú, TP. Cam Ranh) bắt tay vào làm chả cá để kịp giao cho khách hàng và đem ra chợ bán. Chỉ với tay trái, bà thoăn thoắt lọc, xẻ cá bỏ xương, xay, trộn gia vị và nặn chả. Cùng với sự phụ giúp của em gái, mỗi ngày, bà làm được khoảng 10kg chả thành phẩm. Bà Hoàn sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bản thân bị khuyết tật bẩm sinh, cả chân và tay phải bị khoèo, teo nhỏ do ảnh hưởng của chất độc da cam. Được gia đình đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh tình của bà vẫn không thuyên giảm. “Không đầu hàng số phận, tôi quyết tâm luyện tập mới có thể đứng lên, tập tễnh đi lại được như bây giờ”, bà Hoàn kể. Dù chân, tay không lành lặn, nhưng bù lại, bà luôn tràn đầy nghị lực sống. Thấy nguồn nguyên liệu cá tại địa phương khai thác khá dồi dào, bà tìm hiểu và chọn làm chả. Những ngày đầu, do không có máy móc nên bà không làm được nhiều. Khi nguồn khách tăng lên, được tạo điều kiện vay vốn tín dụng chính sách 50 triệu đồng, bà đầu tư mua máy nên công việc thuận lợi hơn trước. Chả cá không có chất bảo quản và được chế biến từ các loại cá tươi như: Róc, mối, bò da, nhồng... nên khách hàng rất ưa chuộng. Tiếng lành đồn xa, giờ đây, sản phẩm chả cá của bà còn được khách ở TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk đặt hàng. “Tôi rất mừng khi có thể kiếm sống bằng chính sức lao động của mình mà không phải dựa dẫm vào ai”, bà Hoàn tâm sự.

Bà Hoàn làm chả cá để bán cho khách.

Bà Hoàn làm chả cá để bán cho khách.

Băng qua con đường quanh co, chúng tôi tìm đến gia đình bà Bùi Thị Châu (sinh năm 1969, ở Tổ dân phố Phú Thịnh, phường Cam Phú, Cam Ranh). Trong khoảng sân trước nhà, bà Châu đang cần mẫn buộc mảnh lưới lên khung sắt làm lồng nuôi tôm. Thấy chúng tôi, bà tập tễnh bước tới tươi cười đón khách. Giơ đôi bàn tay chai sần vì tuốt dây cước, bà Châu cho biết: “Làm lồng nuôi tôm vất vả nhưng cũng đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày. Do đi lại khó khăn nên tôi chọn công việc này để mưu sinh”. Trước đây, bà làm nước mắm để bán. Vào một đêm mưa năm 2013, bà trượt chân té ngã dẫn đến gãy xương khớp háng trái, phải phẫu thuật. Được vài năm, xương bị thoái hóa, bà buộc phải thay khớp háng nhân tạo. Sau mổ, bà nằm liệt giường, mọi sinh hoạt nhờ vào chồng con. Không muốn cuộc đời còn lại trở thành tầm gửi, bà kiên trì tập luyện ròng rã suốt 1 năm trời. Sự nỗ lực ấy đã giúp bà đứng lên và tập tễnh bước đi. Để không trở thành gánh nặng cho gia đình, bà Châu đã học làm lồng nuôi tôm mưu sinh. Hàng ngày, tuy đôi tay thường xuyên bị phồng rộp, rớm máu vì siết dây cước, nhưng bà luôn nhắc nhở bản thân phải cố gắng. “Công việc đòi hỏi phải khéo tay, cần cù, kiên nhẫn. Nhờ thạo việc, mỗi ngày, tôi làm được 1 lồng nuôi tôm loại nhỏ, kiếm lời được 300.000 đồng”, bà Châu chia sẻ. Sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng nên đơn đặt hàng của bà ngày càng nhiều. Từ một hộ nghèo, đến nay, gia đình đã thoát nghèo nên ai cũng mừng cho bà.

Dù vất vả nhưng công việc làm lồng nuôi tôm mang lại thu nhập ổn định cho gia đình bà Châu.

Dù vất vả nhưng công việc làm lồng nuôi tôm mang lại thu nhập ổn định cho gia đình bà Châu.

Tại thị xã Ninh Hòa, chúng tôi đến thăm bà Trịnh Thị Thu Thảo (sinh năm 1968, ở Tổ dân phố 6, phường Ninh Hiệp). Bước thấp, bước cao, bà Thảo đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu. Sinh ra lành lặn, nhưng cơn sốt bại liệt năm lên 1 tuổi đã khiến chân phải của bà bị co rút. Lớn lên, bà tập luyện và dần bước đi tập tễnh. Học hết cấp 2, bà chuyển sang học nghề may rồi mở cơ sở may tại nhà, mỗi tháng thu nhập được 6 triệu đồng. “Khi tập đi, không biết bao nhiêu lần té ngã, đau lắm, nhưng tôi vẫn kiên trì mỗi ngày. Tuy khó khăn, vất vả nhưng tôi quyết tâm phải học cho bằng được cái nghề để kiếm sống”, bà Thảo tâm sự. Thương người phụ nữ đầy nghị lực, anh bộ đội xuất ngũ đã cùng bà nên duyên vợ chồng. Vững tay nghề, sản phẩm may đẹp, hợp thời trang nên được khách hàng ưng ý, thường quay lại đặt hàng. Bà Thảo còn nhận học trò để truyền nghề. Giờ đây, cuộc sống tràn ngập hạnh phúc, cùng công việc ổn định là động lực để vợ chồng bà nuôi dạy 2 con ăn học nên người. Chân tay thường xuyên đau nhức vì ngồi nhiều để may nhưng bà vẫn kiên nhẫn, cố gắng khắc phục để vượt lên, không đầu hàng số phận…

Tiếp sức vươn lên

Với những người phụ nữ khuyết tật chúng tôi gặp, ẩn trong thân hình khiếm khuyết của họ là sức mạnh của ý chí, nghị lực và niềm tin, sự lạc quan về cuộc sống tốt đẹp. Vượt qua nghịch cảnh, các chị đã vươn lên làm chủ cuộc sống và tiếp sức, gieo niềm tin, động lực, hy vọng, trở thành những tấm gương sáng để nhiều người noi theo. Bà Nguyễn Thị Hồng (Tổ dân phố Phú Hải) chia sẻ: “Tôi biết chị Võ Thị Kim Hoàn đã hơn 10 năm nay. Dù là người khuyết tật, song chị ấy có nghị lực rất mạnh mẽ. Nghị lực đó đã giúp chị vượt qua rào cản của sự tự ti, mặc cảm để vươn lên. Không những thế, chị Hoàn còn truyền nghề làm chả cá để tôi có điều kiện nuôi dạy các con nên người”.

 Nghề may đã đem lại thu nhập ổn định cho bà Thảo.

Nghề may đã đem lại thu nhập ổn định cho bà Thảo.

Hiện nay, toàn tỉnh có 26.669 người khuyết tật, trong đó có 12.651 người khuyết tật là nữ. Với nghị lực của bản thân, cùng với sự động viên, hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ đã và đang tiếp thêm động lực cho những phụ nữ kém may mắn vươn lên. Bà Trịnh Thị Thu Huyền - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Cam Ranh cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 1.000 phụ nữ khuyết tật. Thời gian qua, các cấp hội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Trao phương tiện sinh kế, hỗ trợ vốn từ quỹ hội và giới thiệu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo việc làm… cho phụ nữ kém may mắn. Qua đó, đã tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ khuyết tật phát triển kinh tế gia đình với nhiều công việc như: Làm lồng nuôi tôm, đan lưới, làm chổi, đan móc, buôn bán, làm chả cá... Các chị đã nỗ lực học hỏi, tự tạo việc làm phù hợp, mang lại nguồn thu nhập ổn định, làm chủ cuộc sống. Đồng thời, chính các chị đã truyền lửa, hỗ trợ cho những người cùng cảnh ngộ xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.

Bà Nguyễn Hoàng Vân Hạ - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, thấu hiểu những khó khăn của phụ nữ khuyết tật, các cấp hội luôn quan tâm, thăm hỏi, vận động nguồn lực để hỗ trợ xây nhà “Mái ấm tình thương”; hỗ trợ kinh phí, phương tiện sinh kế cho chị em. Từ năm 2021 đến nay, các cấp hội đã trao tặng hơn 1.000 phương tiện sinh kế với tổng trị giá gần 2,5 tỷ đồng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật… để giúp các chị làm ăn. Đồng thời, hội còn xây dựng được 4 câu lạc bộ điểm dành cho phụ nữ khuyết tật tại Diên Khánh, Ninh Hòa, Cam Ranh, Vạn Ninh với gần 100 thành viên; các cấp hội nhân rộng nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ khuyết tật có điều kiện vươn lên hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, còn phối hợp mở lớp đào tạo nghề, kết nối việc làm, hỗ trợ chị em khuyết tật tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế gia đình. Sự quan tâm, hỗ trợ đó đã giúp nhiều phụ nữ khuyết tật vượt qua khó khăn, mặc cảm và trở thành tấm gương sáng để chị em khác noi theo…

CHÂU TƯỜNG - PHÚ AN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202410/nhung-phu-nu-giau-nghi-luc-ff847ff/