Doanh nghiệp Kiên Giang chủ động sản xuất từ đầu năm
Những ngày đầu năm mới 2023, doanh nghiệp tại tỉnh Kiên Giang tất bật sản xuất nhằm chủ động nguồn hàng đáp ứng đơn hàng trong nước và xuất khẩu.
NỖ LỰC VƯỢT KHÓ
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 802 triệu đô la Mỹ (USD), vượt 22 triệu USD so kế hoạch, tăng 9,71% so năm 2021. Trong đó, xuất khẩu gạo đạt 176,3 triệu USD, rau, quả 5,3 triệu USD, hải sản gần 281 triệu USD, giày da đạt 164,2 triệu USD… Đây là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp.
“Năm 2022, ngành chế biến thủy sản gặp nhiều khó khăn, cùng sự cạnh tranh quốc tế gay gắt. Lãi suất ngân hàng tăng hơn 50% và khó tiếp cận. Dòng tiền của doanh nghiệp bị đình trệ, khó hoàn tất kịp thời trách nhiệm với nơi cung ứng vốn”, ông Lê Minh Tâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trung Sơn nói.
Đứng trước khó khăn chồng chất, Công ty Cổ phần Trung Sơn điều chỉnh kế hoạch hoạt động kinh doanh, linh hoạt vượt qua khó khăn, thách thức với chi phí thấp nhất. Đồng thời, tập trung tăng sức cạnh tranh sản phẩm thông qua tính toán tối ưu quy trình chế biến, các định mức tiêu hao.
Tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu tập trung tại huyện Kiên Lương, Công ty Cổ phần Trung Sơn chú trọng nâng cao năng suất thông qua việc trang bị các công cụ hỗ trợ. Công ty xem trọng sự uyển chuyển trong hoạch định thị trường từng giai đoạn, đi liền là sản phẩm tương ứng, chọn lọc khách hàng phù hợp.
“Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, năm 2022, Công ty Cổ phần Trung Sơn thu 15 triệu USD từ mặt hàng tôm xuất khẩu trực tiếp. Tổng sản lượng sản xuất đạt 6.200 tấn, trong đó tôm nuôi công nghiệp trên 4.500 tấn, đạt 100% kế hoạch năm, chế biến xuất khẩu trên 1.700 tấn”, ông Lê Minh Tâm cho biết.
Dù đối mặt không ít khó khăn về thị trường, nguyên liệu, Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang vẫn hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2022 với 127.427m3 ván sản phẩm, vượt 70% so công suất thiết kế, hoàn thành kế hoạch năm trước 50 ngày. So kế hoạch năm 2022, công ty đạt tổng doanh thu 862 tỷ đồng, vượt 15%; lợi nhuận 30,7 tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần; nộp ngân sách nhà nước 45 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang nhận định: “Năm 2023, thế giới vẫn còn tình trạng khủng hoảng năng lượng. Việc cạnh tranh thu mua giữa doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất viên nén, dăm gỗ dự kiến còn kéo dài. Lạm phát ở Mỹ và các nước châu Âu dự kiến còn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến ngành gỗ tinh chế. Do đó, các chủ rừng không bán được gỗ bao bì, dẫn đến hạn chế khai thác, ảnh hưởng đến sản lượng đưa về nhà máy của công ty”.
Dù nhận định tình hình còn nhiều khó khăn, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, công ty vẫn đặt mục tiêu sản xuất 110.000m3 gỗ/năm, tiêu thụ 100%, doanh thu 820 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, công ty sẽ tiếp tục đầu tư, ứng dụng các phần mềm quản lý thiết bị, quản lý bảo trì, công nghệ số 4.0 để truy xuất dữ liệu lịch sử sửa chữa thiết bị.
“Rút kinh nghiệm từ công tác thu mua nguyên liệu các năm trước, công ty xây dựng kế hoạch thu mua nguyên liệu từng tháng phù hợp với thị trường, diễn biến thời tiết. Chủ động nắm chắc tình hình thị trường mua bán nguyên liệu gỗ, dăm gỗ, viên nén tại các địa phương, mở rộng thị trường nguyên liệu củi trong và ngoài tỉnh”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
TẠO ĐÀ XUẤT KHẨU
Sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm 2023, công nhân Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang, khu công nghiệp Thạnh Lộc, huyện Châu Thành trở lại nhà máy, miệt mài làm hàng, kiểm tra kỹ lưỡng từng sản phẩm để chuẩn bị xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu trong tuần đầu tiên của tháng 1-2023.
Theo ông Cao Thanh Lương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang, tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu diễn ra ở tất cả doanh nghiệp trong ngành năm 2022 và có thể tiếp tục kéo dài đến hết quý I-2023. Nguyên nhân do lạm phát cao, khiến sức mua ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu lao dốc, trong khi đây là hai thị trường xuất khẩu chính của công ty.
“Chúng tôi có kế hoạch xây thêm 1 nhà máy giày da nữa, tuyển thêm 1.500 công nhân nhằm nâng công suất hoạt động lên 12 triệu đôi giày. Bên cạnh tái cấu trúc, kiện toàn tổ chức, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, công ty đầu tư trang thiết bị, công nghệ. Đồng thời tăng năng suất, hiệu quả lao động, trở thành đối tác ưu tiên của khách hàng. Tìm kiếm khách hàng mới, công ty vừa hợp tác với thương hiệu Reebok”, ông Cao Thanh Lương cho biết.
Đưa ra kịch bản xuất khẩu năm 2023, ông Cao Thanh Lương cho rằng nếu tình hình khó khăn kéo dài hết quý I-2023, quý II-2023 trở lại trạng thái bình thường, mục tiêu của Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang xuất khẩu 178 triệu USD là có thể đạt được, tăng 30 triệu USD so năm 2022.