Doanh nghiệp kinh doanh tàu biển du lịch hy vọng khôi phục hoạt động

Việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành hướng dẫn khôi phục hoạt động vận tải hành khách trên cả 5 lĩnh vực đem đến hy vọng cho các doanh nghiệp kinh doanh tàu biển du lịch.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, mặc dù chịu những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID19 nhưng tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam vẫn đạt hơn 535,7 triệu tấn trong 9 tháng qua.

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến doanh nghiệp kinh doanh tàu biển du lịch thiệt hại nghiêm trọng, hầu hết tàu phải dừng hoạt động. Ảnh: TL

Tuy nhiên lượng hành khách lại giảm mạnh tới 35% so với cùng kỳ với khoảng 2,9 lượt khách qua cảng biển Việt Nam. Khách qua cảng phần lớn là hành khách nội địa tuyến bờ ra đảo và hành khách đi theo tàu chở hàng.

Đánh giá của Cục Hàng hải, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 trong 3 tháng qua; nhất là trong 2 tháng 8 và 9, nhiều cảng biển tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 chứng kiến mức giảm lên tới hơn 90% so với cùng kỳ năm trước.

Hầu hết các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo đông khách tại khu vực Kiên Giang, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu,...đều tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương để phòng dịch.

Điển hình tại cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh), các bến thủy nội địa của cảng có khoảng 200 du thuyền chất lượng cao đã nằm chờ suốt một thời gian dài tại các vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Lan Hạ khi địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Dịch bệnh kéo dài khiến doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch rơi vào tình trạng kiệt quệ, không có nguồn thu để trang trải chi phí hoạt động, kéo theo đó là trên 5.000 lao động bị giảm ngày công, mất việc làm.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh, tính đến ngày 31/5, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã cho 240 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch tham quan, lưu trú trên vịnh Hạ Long vay tổng dư nợ 1.876 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 1.670 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Phượng - Chi hội phó Chi hội tàu du lịch vịnh Hạ Long cho biết, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020, các chủ tàu phải chấp nhận hạ giá vé để phục vụ khách trong nước. Tuy nhiên cũng chỉ hoạt động trong thời gian rất ngắn, gián đoạn, số lượng khách nhỏ lẻ.

Để khôi phục hoạt động vận tải hành khách nói chung, vừa qua Bộ GTVT đã ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách trên cả 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa; bắt đầu thực hiện từ ngày 1/10.

Nguyên tắc chung, việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách sẽ được thực hiện dựa trên sự đánh giá nguy cơ và quy mô cấp độ dịch áp dụng đến cấp xã hoặc có thể ở quy mô tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm.

Mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng được Bộ GTVT chia ra làm 4 cấp độ với Cấp 1 là nhóm nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh. Cấp 2 là nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng, cấp 3 là nguy cơ cao tương ứng với màu cam và cấp 4 là nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Trong hoạt động vận tải hàng hải, thuyền viên và người làm việc tại cảng biển phải tuân thủ “Thông điệp 5K”, khai báo y tế theo quy định và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh.

“Tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình (Cấp 2) và nguy cơ cao (Cấp 3), thuyền viên và người làm việc tại cảng biển phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần).

Vệ sinh, khử khuẩn hàng ngày và sau mỗi chuyến đi đối với các bề mặt tiếp xúc nhiều của phương tiện như bề mặt vô lăng lái, tay nắm cửa, ghế ngồi, cửa sổ, sàn phương tiện, khu vực vệ sinh...Bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho hành khách sử dụng”, Bộ GTVT yêu cầu.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh cảng, bến phải xây dựng phương án, kế hoạch đón, trả hành khách ra vào cảng, bến bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR; khu vực bán vé, phòng chờ và nơi hành khách lên, xuống phương tiện bảo đảm giãn cách và các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế cũng như địa phương.

Trong trường hợp phát hiện thuyền viên, hành khách có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mệt mỏi phải bố trí cách ly và thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để xử lý.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nghiep-kinh-doanh-tau-bien-du-lich-hy-vong-khoi-phuc-hoat-dong-post159509.html