Doanh nghiệp kinh doanh taxi 'chới với' vì dịch Covid-19

Lượng khách giảm 80 - 90% dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Đời sống người lao động lao đao, không có thu nhập. Hàng loạt doanh nghiệp taxi đứng trước nguy cơ phá sản, nợ xấu có nguy cơ tăng.

Bãi để xe của văn phòng taxi Mai Linh Lào Cai chật kín taxi do lái xe xin nghỉ việc trả lại hãng. Ông Ngụy Văn Vịnh, Giám đốc Văn phòng Mai Linh Lào Cai cho biết, đơn vị vừa phải bán 2 xe lấy tiền trả lương nhân viên. 2 năm qua, tăng trưởng thấp, doanh thu không đạt được như kỳ vọng, nếu không bị ảnh hưởng của dịch bệnh, Văn phòng Lào Cai sẽ dễ dàng nhận được sự hỗ trợ của hệ thống Mai Linh toàn quốc, tuy nhiên thời điểm này, tất cả các đơn vị thành viên đều gặp khó khăn.

Văn phòng taxi Mai Linh Lào Cai đã triển khai tái cơ cấu nhân sự để vượt qua khó khăn trong mùa dịch

Văn phòng taxi Mai Linh Lào Cai đã triển khai tái cơ cấu nhân sự để vượt qua khó khăn trong mùa dịch

Taxi Mai Linh Lào Cai hiện có 46 xe hoạt động với tổng số 68 nhân viên và lái xe. Khi chưa có dịch bệnh, mỗi xe có doanh thu trung bình 600.000 - 700.000 đồng/ngày, thời điểm này cao nhất cũng chỉ được 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Nhiều lái xe không có thu nhập tối thiểu nên đã xin nghỉ việc, trả lại xe cho công ty. Ông Vịnh lo lắng bởi với doanh thu thấp, không đủ chi phí vận hành và trả lương nhân viên nên không giữ chân được người lao động.

Chung tình cảnh, hãng taxi Hiếu Hồng chỉ còn duy trì 60% lái xe hoạt động. Ông Phạm Đức Hiếu, Chủ tịch Hiệp hội taxi Lào Cai, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hiếu Hồng (hãng taxi Hiếu Hồng) cho biết: Nhiều lái xe còn gắn bó với hãng thì nói là đi làm chứ thực tế họ chỉ lái xe ra đường cho đỡ nhớ nghề, duy trì uy tín của doanh nghiệp chứ cũng không có khách.

Ông Hiếu chia sẻ thêm, để hoạt động ổn định, một hãng taxi phải đầu tư rất nhiều hạng mục, từ phương tiện, hạ tầng bến bãi đến hệ thống thông tin, chưa kể các loại phí đường bộ, phí dịch vụ GPS, bảo dưỡng thiết bị. Khi dịch bệnh xảy ra, taxi rất ít hoạt động nhưng khoản tiền vay ngân hàng để mua sắm phương tiện và các loại thuế, phí vẫn phải duy trì khiến doanh nghiệp càng khó khăn.

Anh Ngô Duy Hùng, lái xe hãng taxi Hiếu Hồng được hãng bán cho chiếc xe theo hình thức trả góp, mỗi tháng trả đủ 10 triệu đồng, chưa kể chi phí quản lý, thương hiệu, bảo dưỡng xe. Anh Hùng cho biết: Trước đây, mỗi ngày chạy được 20 - 30 chuyến, nay ngồi cả ngày có khi chỉ được 1 chuyến, thu nhập thấp nhưng vẫn phải gồng gánh nợ khiến anh vất vả xoay xở. Trong hãng taxi Hiếu Hồng, nhiều tài xế cũng mua trả góp nhưng không cầm cự được như anh Hùng nên phải trả lại xe để không bị nợ xấu.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên rất ít người sử dụng dịch vụ taxi

Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên rất ít người sử dụng dịch vụ taxi

Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 hãng taxi (thành phố Lào Cai 9 hãng, thị xã Sa Pa 3 hãng), tổng số xe được cấp phù hiệu taxi là 730 xe. Qua 2 năm dịch Covid-19 xảy ra, số lượng xe giảm rõ rệt, có hãng giảm 40 - 50% xe. Thời gian kinh doanh xe taxi khá ngắn, chỉ khoảng 8 - 10 năm và mất khoảng 4 - 5 năm mới hoàn vốn. Dịch bệnh diễn ra mới thấy mọi tính toán của các đơn vị kinh doanh taxi đều bị đảo lộn. Người lao động không thấy hiệu quả sẽ tính chuyện trả xe, chuyển nghề, vậy là nhiều hãng taxi lại phải ôm thêm những khoản nợ.

Trong tình cảnh khó khăn, hầu hết doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải nói chung và kinh doanh dịch vụ taxi nói riêng đưa ra 2 nhóm giải pháp chính, một là cắt giảm lượng xe, hai là tiết kiệm những chi phí hoạt động như hành chính, quản lý... song đây chỉ là những giải pháp bị động, mang tính đối phó ngắn hạn, về lâu dài cần có giải pháp dài hơi và có sự hỗ trợ của Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại.

Ông Phạm Đức Hiếu, Chủ tịch Hiệp hội taxi Lào Cai, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hiếu Hồng cho biết, với hãng taxi Hiếu Hồng, trong thời điểm khó khăn, hãng tranh thủ cơ cấu lại bộ máy, cải tiến quy trình quản lý, ứng dụng công nghệ vào hoạt động, bảo dưỡng thiết bị, phương tiện.

Theo các doanh nghiệp, mặc dù chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19 được Chính phủ ban hành kịp thời nhưng hiệu quả chưa được như kỳ vọng, còn bất cập và nhiều rào cản khiến doanh nghiệp kinh doanh taxi khó tiếp cận gói hỗ trợ giãn nợ, ưu đãi thuế, phí trong lĩnh vực vận tải. Với vai trò là đại diện Hiệp hội taxi Lào Cai, ông Phạm Đức Hiếu mong tới đây sẽ có các chính sách đặc thù cho đơn vị kinh doanh dịch vụ taxi.

Nên chăng ngành chức năng cần có các chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp kinh doanh taxi, không nên cào bằng với một số ngành khác. Cụ thể, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ, giảm thuế, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả gói nợ cũ và tiếp tục cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sau khi dịch bệnh được kiềm chế.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/214396-doanh-nghiep-kinh-doanh-taxi-choi-voi-vi-dich-covid19