Doanh nghiệp kinh doanh vận tải tìm giải pháp trong thế 'lưỡng nan'

Không chỉ chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, hiện nay, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải đang phải đối mặt với tình trạng giá xăng dầu không ổn định, khi tăng thì cao nhưng khi giảm có thể ở mức rất khiêm tốn. Để khắc phục, nhiều DN chọn giải pháp cắt giảm quy mô kinh doanh, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, thậm chí chấp nhận bù lỗ trong hạn mức để duy trì hoạt động.

Công ty cổ phần Giao nhận Kho vận Mê Linh, phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên thực hiện xét nghiệm sàng lọc vi rút SARS –CoV – 2 định kỳ 2 lần/1 tuần cho người lao động

Công ty cổ phần Giao nhận Kho vận Mê Linh, phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên thực hiện xét nghiệm sàng lọc vi rút SARS –CoV – 2 định kỳ 2 lần/1 tuần cho người lao động

2 năm vừa qua là khoảng thời gian khó khăn đối với nhiều DN nói chung và DN kinh doanh dịch vụ vận tải nói riêng. Do đặc thù công việc, ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 khiến nhu cầu di chuyển của người dân sụt giảm, việc vận chuyển hàng hóa giữa các vùng gặp nhiều khó khăn, lực lượng lao động bị thiếu hụt; bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho công tác phòng, chống dịch bệnh không nhỏ..., khiến nhiều DN kinh doanh vận tải phải cắt giảm quy mô hoạt động.

Cuối năm 2021, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid – 19, cùng với tỷ lệ tiêm phòng vắc xin toàn dân được nâng lên, mở ra cơ hội phục hồi cho các DN. Tuy nhiên, đầu năm 2022, các DN kinh doanh dịch vụ vận tải tiếp tục đối mặt với tình hình thị trường xăng dầu bất ổn, giá xăng dầu tăng đột biến, lại khiến nhiều DN rơi vào thế “lưỡng nan”.

Tại Công ty cổ phần Giao nhận kho vận Mê Linh (MTO), hoạt động trong lĩnh vực logistics ở phường Phúc Thắng (Phúc Yên), trong 2 năm vừa qua, doanh thu sụt giảm, khiến kế hoạch mở rộng quy mô, tăng diện tích kho bãi của công ty chưa thực hiện được.

Quý I/2022, dịch Covid – 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với giá xăng dầu liên tục tăng khiến hoạt động kinh doanh của công ty đã khó càng thêm khó.

Ông Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám đốc MTO cho biết: Từ đầu năm 2020 cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128, trung bình mỗi tháng, công ty chi khoảng 80 triệu đồng cho việc xét nghiệm sàng lọc vi rút, đầu tư thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

Mặc dù hoạt động SXKD trở lại trạng thái bình thường mới, song việc thực hiện tại các tỉnh thành vẫn chưa đồng nhất, dẫn đến quá trình vận chuyển hàng hóa giữa các vùng vẫn gặp khó khăn, một số hàng hóa xuất khẩu bị ùn tắc, khiến thời gian vận chuyển kéo dài, phát sinh chi phí.

Mặt khác, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, trong công ty xuất hiện thêm nhiều F0, F1, công việc điều hành tại trụ sở công ty cũng gặp khó khăn nhất định.

Vượt qua khó khăn trước mắt, bên cạnh thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh, nâng tỷ lệ tiêm 3 mũi vắc xin phòng Covid - 19 trong công ty đạt 100%, công ty nỗ lực liên kết với các đối tác cùng hoạt động trong lĩnh vực logistics hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, huy động nguồn lực lao động, mở rộng mạng lưới tìm kiếm đơn hàng cho cả chiều đi và về để tiết kiệm chi phí hoạt động.

Đối với đội ngũ điều hành công việc từ xa, công ty xây dựng kế hoạch một công việc nhất định sẽ có 2 người có khả năng đảm nhiệm để dự phòng, đảm bảo tiến độ thông suốt, ổn định mặc dù chỉ còn 1 nửa lực lượng lao động.

Được biết, với các giải pháp khắc phục khó khăn, chiến lược kinh doanh hiệu quả, năm 2021, doanh thu của MTO đạt hơn 40 tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2020).

Từ 15/2/2022, theo mặt bằng chung của thị trường, công ty triển khai tăng 7% giá cước vận chuyển. Theo ban lãnh đạo công ty, việc tăng giá cước được tính toán trên cơ sở chia sẻ khó khăn giữa khách hàng và DN. Công ty cam kết cung cấp cho khách hàng các dịch vụ chất lượng với giá cả phù hợp với thị trường.

Công ty TNHH Thiên Đức chuyên cung cấp dịch vụ vận tải hành khách đường bộ, tại xã Định Trung (Vĩnh Yên), từ năm 2020 đến nay, đã phải giảm hơn 130 đầu xe do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, hiện tổng số đầu xe của công ty còn 170 đầu xe từ 4 – 7 chỗ ngồi.

Ông Dương Quốc Tuấn, Quản lý đội xe của công ty cho biết: “Bảo vệ sức khỏe người lao động nằm trong nhiệm vụ mục tiêu kinh doanh của công ty, bởi nếu thiếu hụt lực lượng này, khả năng kinh doanh của công ty cũng bị sụt giảm.

Do tính chất công việc phải tiếp xúc với nhiều người, công ty yêu cầu lái xe không chỉ thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch bệnh, mà còn có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở khách hàng thực hiện khi sử dụng dịch vụ.

Hiện nay, tỷ lệ tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng Covid – 19 đối với người lao động trong công ty đã đạt 100%. Mặc dù doanh thu 2 năm vừa qua sụt giảm nghiêm trọng, song công ty vẫn chủ động đầu tư đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

Đối với người lao động phải tạm ngừng việc để điều trị và cách ly y tế, công ty thực hiện hỗ trợ 1 triệu đồng/người, số tiền không nhiều nhưng cũng góp phần giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.

Vừa qua, giá xăng dầu tăng đột biến, trên tinh thần chia sẻ khó khăn giữa khách hàng và DN, công ty đã tăng giá cước vận chuyển thêm 1.000 đồng/km. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng, công ty sẽ phải điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp với mặt bằng chung của thị trường”.

Khó khăn chồng chất khó khăn là tình trạng chung của các đơn vị kinh doanh vận tải thời điểm hiện tại. Ngoài chi phí đầu tư cho công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng cường năng lực làm việc để bổ sung lực lượng lao động bị thiếu hụt, nhiều DN hiện phải bù lỗ do giá xăng dầu tăng đột biến.

Qua tìm hiểu tại một số DN kinh doanh dịch vụ vận tải trên địa bàn tỉnh, hiện nay, các đơn vị có thể đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai an toàn, hiệu quả, song đối với tình trạng giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian gần đây, hầu hết các đơn vị đều đang loay hoay chưa tìm được giải pháp phù hợp, bởi nếu tăng giá cước vận chuyển đồng nghĩa với việc khách hàng có thể xem xét, quyết định có tiếp tục sử dụng dịch vụ, còn nếu không tăng hoặc tăng ít thì chính DN lại phải bù lỗ.

Bài, ảnh: Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/75240/doanh-nghiep-kinh-doanh-van-tai-tim-giai-phap-trong-the-%E2%80%9Cluong-nan%E2%80%9D.html