Tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công lên gần 2,8 triệu đồng/tháng
Chính phủ nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng, áp dụng từ tháng 7.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 77 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng sẽ tăng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP về điều dưỡng phục hồi sức khỏe. Theo đó, điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung với mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/1 người/1 lần.
Nội dung chi bao gồm: Tiền ăn trong thời gian điều dưỡng; Thuốc thiết yếu; Quà tặng cho đối tượng; Tham quan; Các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng gồm khăn mặt, xà phòng, bàn chải, thuốc đánh răng, chụp ảnh, tư vấn sức khỏe, phục hồi chức năng...
Mức trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là 2,884 triệu đồng; thân nhân của 1 liệt sĩ là 2,789 triệu đồng, thân nhân của 2 liệt sĩ là 5,578 triệu đồng, thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên là 8,367 triệu đồng.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng 8,367 triệu đồng, phụ cấp ưu đãi hằng tháng 2,337 triệu đồng.
Mức trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là 2,337 triệu đồng. Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày là 1,673 triệu đồng.
Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 76 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Nghị định số 76 sửa đổi, bổ sung quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội. Theo quy định mới, mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7 là 500.000 đồng/tháng, tăng 140.000 đồng/tháng so với quy định tại Nghị định số 20 (360.000 đồng/tháng).
Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.
Trường hợp điều kiện kinh tế - xã hội địa phương bảo đảm, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn cao hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định 76.