Doanh nghiệp ký được hợp đồng nhờ quảng bá tại các hội chợ đồ gỗ

Hội chợ và triển lãm dù là kênh xúc tiến truyền thống nhưng đây lại là kênh quan trọng và đang mang lại hiệu quả đối với DN Việt Nam.

Chiều 17-8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh TP.HCM (VCCI-HCM) cùng Hiệp hội Dừa Việt Nam và công ty cổ phần thủ công mỹ nghệ Gỗ Liên Minh tổ chức buổi tọa đàm công bố tổ chức Hội chợ Quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN lần 1 - VIFA ASIAN 2023.

Hội chợ sẽ diễn ra từ ngày 29-8 đến 1-9 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (quận 7, TP.HCM).

2 hội chợ, triển lãm về ngành gỗ- thủ công mỹ nghệ sắp diễn ra vào cuối tháng 8-2022, và đầu năm 2024. Ảnh: THU HÀ

2 hội chợ, triển lãm về ngành gỗ- thủ công mỹ nghệ sắp diễn ra vào cuối tháng 8-2022, và đầu năm 2024. Ảnh: THU HÀ

Dù là lần đầu tổ chức nhưng hiện VIFA ASEAN 2023 đã thu hút gần 200 doanh nghiệp (DN) với 600 gian hàng tham gia trưng bày và hơn 2000 khách quốc tế đăng ký tham quan.

Hội chợ cũng quy tụ nhiều nhà sản xuất và chế biến gỗ, mỹ nghệ uy tín trong nước và các quốc gia, vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hà Lan, Hồng Kông, Malaysia, Thái Lan, Campuchia …

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Ngọc Liêm, Chủ tịch VCCI nhìn nhận, Đông Nam Á là một trong những trung tâm sản xuất và cung cấp đồ gỗ nội, ngoại thất, hàng thủ công mỹ nghệ hàng đầu thế giới. Chính vì thế việc tìm kiếm thị trường cho các DN trong ngành là rất quan trọng.

“Việt Nam hiện đang dẫn đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và đứng thứ hai của châu Á. Dẫu vậy hiện nay nhu cầu nhập khẩu gỗ của các nước ASEAN khoảng 3 tỉ USD nhưng tỉ lệ xuất khẩu của nước ta chỉ chưa tới 100 triệu USD. Đây chính là cơ hội để các DN tận dụng và tìm kiếm thị trường. Trong đó hội chợ và triển lãm dù là kênh xúc tiến truyền thống nhưng theo đánh giá từ các DN đây lại là quan trọng và đang mang lại hiệu quả đối với DN Việt Nam”.

Ông Trần Hữu Hoài, Giám đốc công ty TNHH Gia Nhiên cũng đồng tình và nhìn nhận, từ trước dịch công ty luôn có các đơn hàng từ khách trong và ngoài nước ngay tại mỗi lần tham gia triễn lãm. Dù sau dịch, các đơn hàng nhỏ hơn nhiều so với trước dịch, nhưng cũng sau mỗi hội chợ vẫn có khách liên hệ đến công ty tìm hiểu và ký kết các biên bản ghi nhớ.

“Có được kết quả này, ngoài việc tham gia các hội chợ trực tiếp, thì chúng tôi tích cực tham gia quảng bá trên các nền tảng thương mại điện tử B2B xuyên biên giới như Alibaba để tìm kiếm và duy trì thị trường mới”- ông Hoài nói.

Bên cạnh đó, theo ông Liêm, ngoài triển lãm gian hàng VIFA ASEAN 2023 còn tổ chức thêm các hội thảo chuyên ngành cho các DN như “Xóa rào cản vượt giới hạn- giải pháp tăng doanh thu xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt”, “Khúc biến tấu của dừa trong trang trí nội thất” và “Tác động của Net Zero, cập nhật chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ”.

“Chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo được sân chơi cho doanh nghiệp ngành gỗ, góp phần giúp họ tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới như đối với sản phẩm gáo dừa, xơ dừa ứng dụng trong nội thất và hỗ trợ cơ hội xuất khẩu trong bối cảnh đơn hàng đang sụt giảm như hiện nay”- ông Lâm nói.

Cũng trong buổi tạo đàm này, ban tổ chức cho biết thêm, sẽ tổ chức tiếp Hội chợ quốc tế Đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu lần thứ 15 vào ngày 26-2 đến 29-2-2024 tới đây. Hội chợ này sẽ diễn ra tại Trung tâm triễn lãm SKY EXPO Việt Nam (quận 12, TP.HCM). Dự kiến thu hút hơn 600 doanh nghiệp với quy mô hơn 2000 gian hàng trên tổng diện tích 36.000 m2.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-ky-duoc-hop-dong-nho-quang-ba-tai-cac-hoi-cho-do-go-post747293.html