Doanh nghiệp kỳ vọng bứt phá trong năm mới
Bước sang năm mới, nhiều doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất, đặt ra nhiều kỳ vọng để bứt phá trong năm nay.
7h sáng, xưởng sản xuất của Công ty Cổ phần May Tây Đô, TP Cần Thơ, đã tất bật. Guồng quay công việc nhanh chóng được khởi động. Hầu hết mọi người đều cảm thấy phấn khởi với sự quan tâm, chăm lo của đơn vị.
"Công ty được thưởng Tết tây, phiếu quà tặng. Công đoàn cũng tặng quà cho hộ nghèo, anh em khó khăn", bà Trần Kim Duyên, công nhân Công ty Cổ phần May Tây Đô, TP Cần Thơ, chia sẻ.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh tại ĐBSCL bắt đầu có những gam màu sáng. Như ởdoanh nghiệpnày, năm qua đơn vị đã sản xuất hơn 4 triệu sản phẩm. Tổng doanh thu hơn 200 tỷ đồng. Trong đó 95% là phục vụ xuất khẩu.
"Chúng tôi đã chuẩn bị những nội lực, ưu tiên đào tạo tay nghề cho người lao động, nâng cao năng suất, đẩy mạnh đầu tư công nghệ, máy móc để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính", ông Ngô Văn Chơn, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần May Tây Đô, TP Cần Thơ, cho biết.
2023 là năm ĐBSCL để lại những dấu ấn đậm nét. Nhiều địa phương nằm trong top đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công như: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang. Đáng chú ý, việc hoàn thành công tác quy hoạch tỉnh đã mở ra nhiều kỳ vọng cho các doanh nghiệp.
"Không chỉ quy hoạch đất đai, nhà ở mà còn quy hoạch về công nghiệp. Có công nghiệp thì chúng ta mới giải quyết việc làm cho lao động. Đây là điều kiện cần thiết để nâng cao chỉ số GDP, đóng góp ngân sách nhiều hơn trong thời gian tới", ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Cường, Kiên Giang, nhận định.
ĐBSCL hiện đóng góp khoảng 12% GDP của cả nước. Con số này đã giảm so với trước đây. Việc tháo gỡ nút thắt về thể chế, quản trị và liên kết vùng, đặc biệt là tranh thủ cơ hội ngay từ đầu năm sẽ biến những kỳ vọng trở thành hiện thực.