Doanh nghiệp kỳ vọng các quyết sách cụ thể, mạnh mẽ và hiệu quả hơn

Nếu buộc phải đóng cửa và sa thải nhân sự thì không chỉ doanh nghiệp chết, người lao động thất nghiệp mà quỹ bảo hiểm tự nguyện/bảo hiểm xã hội khả năng cao cũng vỡ, nguồn thu thuế sụt giảm mạnh.

Các doanh nghiệp trong nước đang đối diện với nguy cơ đóng cửa hàng loạt do tác động của dịch Covid-19 làm tắc nghẽn cả hai phía cung và cầu. Nếu tình trạng này kéo dài thì hậu quả sẽ không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp mà còn lan rộng ra mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, từ Nhà nước đến từng người dân.

“Chính phủ cần nhận phần rủi ro về phía mình, như vậy mới giúp doanh nghiệp được lúc này”

Theo ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch Tập đoàn TTC, có hai vấn đề cơ bản nổi lên trong phản ánh của các hiệp hội với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Chỉ thị 11 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng và thiệt hại bởi dịch Covid-19.

Thứ nhất, khâu thực thi của các bộ, địa phương còn chậm so với kỳ vọng và diễn biến (xấu) thực tiễn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Doanh nghiệp vẫn chưa biết cách nào tiếp cận gói cứu trợ, gói vay ưu đãi được đưa ra với con số hàng trăm nghìn tỷ.

Các ngân hàng đang chỉ giảm (chút ít) lãi suất vay mới, trong khi không có doanh nghiệp nào có nhu cầu vay mới, mà chủ yếu cần chống đói, tức là mong giảm lãi với khoản vay cũ (đi kèm với khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ).

Bộ Tài chính và các bộ liên quan chỉ mới đưa ra các giải pháp chậm nộp, giãn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền sử dụng đất mà chưa có giải pháp nào liên quan miễn, giảm, xóa, bỏ các hạng mục doanh nghiệp phải bỏ tiền ra đóng.

Các hiệp hội đã gửi kiến nghị lên Chính phủ và Thủ tướng và Thủ tướng giao các bộ xử lý nhưng nhiều hiệp hội chưa nhận được thông tin gì từ các bộ chủ quản xung quanh vấn đề của doanh nghiệp.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch Tập đoàn TTC khẳng định, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam nói chung cũng như TTC nói riêng luôn mong muốn đồng hành hỗ trợ các y bác sĩ trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch Tập đoàn TTC khẳng định, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam nói chung cũng như TTC nói riêng luôn mong muốn đồng hành hỗ trợ các y bác sĩ trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Thứ hai, trong quá trình triển khai, có một số bộ, địa phương áp dụng các biện pháp "thái quá" hoặc tạo thành các gánh nặng hành chính mới, khiến doanh nghiệp và các chủ thể liên quan gặp khó khăn thêm.

Ông Hồng Anh dẫn chứng, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, và cơ quan bảo hiểm xã hội đang hướng dẫn các doanh nghiệp thủ tục để được hưởng chính sách chậm nộp, giãn nộp bảo hiểm xã hội là phải chứng minh doanh số giảm 50% trở lên và có tổng số người lao động bị mất việc cũng từ 50% trở lên!

"Đây là thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp lớn, có hàng nghìn, hàng chục nghìn lao động vì ko lẽ doanh nghiệp phải đi xin chữ kí của trên 50% nhân sự chứng minh họ đã bị sa thải?", ông Hồng Anh đặt vấn đề.

Chính phủ không chỉ đạo đóng cửa khách sạn, nhưng để đảm bảo an toàn, một số địa phương đã yêu cầu đóng cửa mọi khách sạn, khiến cho khách và chuyên gia quốc tế đang lưu trú... bị đẩy ra đường.

Bên cạnh đó, vẫn có những cuộc thanh kiểm tra và những kết luận truy thu các khoản tiền thuế, phí lên tới hàng chục tỷ ban hành trong bối cảnh dịch (mặc dù hạng mục đó doanh nghiệp đang kiến nghị và Chính phủ đang xử lý chưa có kết luận cuối là truy thu hợp lý hay không).

Một số cơ quan thuế địa phương đang tổng hợp tình hình doanh nghiệp với yêu cầu phải ký tên, đóng dấu vào bản kê khai. Nhưng những doanh nghiệp đã cho tạm đóng văn phòng, chuyển sang làm trực tuyến không thể đáp ứng yêu cầu đó và đề nghị cho kê trực tuyến mà chưa được.

"Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp kỳ vọng các quyết sách của chính phủ cần cụ thể, mạnh mẽ và hiệu quả hơn”, ông Hồng Anh nói.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM tán đồng với kiến nghị của ông Đặng Hồng Anh.

“Ý kiến tổng hợp của ông Đặng Hồng Anh khá đầy đủ, chỉ mong sao Chính phủ có giải pháp hành động ngay, kịp thời. Đề nghị các bộ ngành phải thể hiện trách nhiệm của mình với doanh nghiệp như tinh thần của các bác sĩ trên tuyến đầu đối với bệnh nhân, từ đó khẩn trương hoàn thành các hướng dẫn để tổ chức thực hiện."

"Khi xây dựng chính sách, phải quán triệt quan điểm không đẩy thủ tục khó khăn pháp lý về phía doanh nghiệp. Chính phủ cần nhận phần rủi ro về phía chính phủ, bộ, ngành, như vậy mới giúp doanh nghiệp được lúc này. Về phía doanh nghiệp thì phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, minh bạch, không lợi dụng chính sách để vụ lợi và sẵn sàng chịu sự xử lý hậu kiểm. Chính phủ tin doanh nghiệp, doanh nghiệp đồng hành và trung thực, trách nhiệm với đất nước với chính phủ", ông Dũng nói.

Ông Dũng nhìn nhìn, do nguồn lực quốc gia có giới hạn nên khả năng cứu tất cả các doanh nghiệp sẽ là không khả thi. Vì thế, ông kiến nghị Chính phủ áp dụng phương châm như các bệnh viện tại Ý, New York đang làm, đó là ưu tiên chữa trị cho các bệnh nhân có khả năng sống cao.

Đi kèm với phản ánh, các hiệp hội doanh nghiệp đã nêu những kiến nghị rất mạnh và cụ thể để cải thiện tình hình nói trên, bởi nếu doanh nghiệp buộc phải đi tới bước đường cùng là đóng cửa, sa thải hàng triệu nhân sự thì không chỉ doanh nghiệp chết, người lao động mất việc mà quỹ bảo hiểm tự nguyện/bảo hiểm xã hội khả năng cao cũng vỡ, nguồn thu thuế sụt giảm mạnh, căng thẳng xã hội gia tăng.

Doanh nghiệp cần đồng hành cùng chính phủ

Trong nỗ lực chung của các doanh nghiệp dẫn đầu, CTCP du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality) - thành viên Tập đoàn TTC, đã phối hợp cùng Ngân hàng Phương Đông, tổ chức địa điểm lưu trú cho các y bác sĩ Bệnh viện nhiệt đới TP. HCM đang công tác trong tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 tại TP. HCM.

TTC Hospitality đã dành riêng một khách sạn cho đội ngũ y tế lưu trú, thời gian bắt đầu từ ngày 1/4/2020. Được biết, tổng chi phí gói tài trợ của TTC và OCB trong đợt này là 2,55 tỷ đồng/tháng.

Ông Hồng Anh cho biết, với truyền thống hơn 26 năm hình thành và phát triển, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam luôn xung phong trong các chương trình công tác xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn chung này, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nói chung cũng như TTC nói riêng mong muốn đồng hành hỗ trợ các y bác sĩ trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Cũng theo ông Hồng Anh, các y bác sĩ là những “chiến sĩ tuyến đầu” trên mặt trận chống giặc Covid-19. “Họ không ngại vất vả và rủi ro ngày đêm trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nên những hy sinh này đáng được đồng cảm và trân trọng”.

Đồng hành cùng TTC Hospitality, Ngân hàng Phương Đông OCB cũng đã góp phần hỗ trợ chi phí lưu trú, ăn uống, và các loại dịch vụ khác cho đội ngũ y bác sĩ tại khách sạn TTC.

Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB cho biết: “OCB đang triển khai mạnh mẽ chương trình 'OCB chung tay bảo vệ cộng đồng' nhằm cùng người dân cả nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ phòng chống dịch Covid-19, với nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, việc ủng hộ, chăm lo cho những y bác sĩ, cán bộ y tế thuộc tuyến đầu là công tác mà OCB luôn sẵn lòng và đề cao hàng đầu trong giai đoạn này”.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, động thái nhanh chóng và kịp thời của TTC Hospitality và OCB đã được lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM và các đơn vị liên quan đánh giá cao.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, động thái nhanh chóng và kịp thời của TTC Hospitality và OCB đã được lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM và các đơn vị liên quan đánh giá cao.

Kim Yến

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/doanh-nghiep-ky-vong-cac-quyet-sach-cu-the-manh-me-va-hieu-qua-hon-1585718290257.htm