Doanh nghiệp kỳ vọng tiếp cận vốn vay tốt hơn

Triển vọng ngân hàng trong năm 2023 được dự báo là tích cực, đặc biệt, cổ phiếu ngân hàng sẽ tích cực, nhất là khi có định giá hấp dẫn ở thời điểm đầu năm mới. Doanh nghiệp kỳ vọng vẫn tiếp cận được vốn tốt hơn để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Những con số tích cực trong quý IV/2022 cho thấy nhiều ngân hàng vẫn vượt qua khó khăn khi tín dụng bị thắt chặt, thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường trái phiếu đóng băng.

Cuối năm 2022 và đầu 2023, tình hình đã được cải thiện khi tỷ giá được kiểm soát và lạm phát ở mức thấp. Tín dụng được nới ra và chu kỳ tín dụng một năm mới bắt đầu. Bộ Tài chính cũng sửa đổi Nghị định 65 về thị trường trái phiếu theo hướng nới lỏng để hỗ trợ thị trường tài chính ổn định. Triển vọng ngành ngân hàng tích cực hơn.

Triển vọng ngân hàng trong năm 2023 được dự báo là tích cực.

Triển vọng ngân hàng trong năm 2023 được dự báo là tích cực.

Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, với triển vọng ngân hàng tích cực, cổ phiếu ngân hàng sẽ phát triển tốt, nhất là khi có định giá hấp dẫn ở thời điểm đầu năm mới.

Các chuyên gia cho rằng, tăng vốn đang là nhu cầu lớn của các ngân hàng nói chung trong hệ thống, cấp thiết thúc đẩy khả năng nới room ngoại của một số ngân hàng đủ điều kiện để bổ sung nguồn vốn.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm 2022, sự mất cân đối giữa tăng trưởng tín dụng và tiền gửi đẩy tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) của các ngân hàng niêm yết lên mức cao trong 10 năm trở lại đây, tiệm cận mức trần là 85%.

Chính vì khó khăn về nguồn vốn nên việc tăng cường nguồn vốn của các ngân hàng là rất quan trọng đối với sự bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế Việt Nam, điều này dẫn đến các khả năng nới thêm room ngoài quy định chung và bán vốn trong năm 2023.

Hiện các ngân hàng thương mại đang có hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, cơ chế ưu tiên đang tạo thêm cửa tăng vốn có thể thuận lợi để tăng nguồn lực cần thiết cho quá trình hỗ trợ.

Ngân hàng Nhà nước gần đây cũng xem xét việc nới room cho các ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém lên cao hơn so với mức hiện tại là 30%, nhưng sẽ không vượt qua mức 49%.

Việc nới room lên trên mức 30% chắc chắn sẽ giúp cải thiện bộ đệm vốn, sẽ có lợi cho các ngân hàng đã hết room ngoại.

Bản chất là việc ngân hàng thương mại được phép sử dụng room tín dụng của tổ chức tín dụng yếu kém để tạo khoản vay trước khi chuyển lại cho tổ chức tín dụng. Nhờ năng lực tốt hơn, ngân hàng tiếp nhận có thể cho vay ra thị trường được nhiều hơn mà vẫn đảm bảo được các tỷ lệ an toàn và quản trị rủi ro.

Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ được tiếp cận được vốn tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ được tiếp cận được vốn tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bước vào năm 2023, một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã dự phòng kế hoạch tăng vốn để tăng tốc trong cuộc đua. Ví như VPBank có kế hoạch sẽ bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và kỳ vọng giao dịch này sẽ hoàn tất vào đầu năm 2023.

Vietcombank tiếp tục triển khai kế hoạch bán 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.

Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo sửa đổi cách tính tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR). Theo đó, tỷ lệ LDR sẽ giảm đi đáng kể, qua đó sẽ giúp các ngân hàng thương mại được phép cho vay nhiều hơn mà vẫn đảm bảo tỷ lệ LDR tối đa là 85%, đồng nghĩa với việc thị trường tiếp cận được nhiều vốn hơn.

Một tín hiệu khá tích cực đầu năm mới là câu chuyện tỷ giá và lạm phát không còn nóng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Mỹ vừa công bố lạm phát tháng 12/2022 hạ nhiệt đúng như dự báo, chỉ còn tăng 6,5% so với cùng kỳ và đã rất xa so với đỉnh 9,1% ghi nhận trong tháng 6/2022. Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể dừng, sau đó hạ lãi suất trong nửa cuối năm 2023.

Trước bối cảnh này, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ được tiếp cận được vốn tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Kỳ vọng này thêm một lần nữa được củng cố khi Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cắt giảm chi phí hoạt động, khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Nếu thời gian tới điều kiện có những thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát thì Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất so với mức giảm lãi suất đã cam kết đồng thuận vào cuối năm 2022 vừa qua, thêm một lần nữa, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, cho nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn”.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-ky-vong-tiep-can-von-vay-tot-hon/20230126055040364