Doanh nghiệp lạc quan với tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II
Với sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong thời gian qua, kỳ vọng sản xuất công nghiệp sẽ nhanh chóng vượt qua những khó khăn trước mắt và duy trì đà tăng trưởng trong quý II/2025

Theo kết quả khảo sát, dự kiến hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý II/2025, 45,8% doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khả quan hơn quý trước. Ảnh minh họa: TTXVN
Mặc dù, theo kết quả khảo sát của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, dự kiến hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý II/2025, nhưng có 45,8% doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khả quan hơn quý trước. Tuy nhiên, bà Phí Thị Hương Nga, Trưởng ban Thống kê công nghiệp xây dựng, Cục Thống kê, Bộ Tài Chính cho biết: Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, thời gian tới các doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều thách từ các biến động về kinh tế, chính trị trên thế giới…
Do vậy, các bộ, ngành, đơn vị cần chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh để có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng.
Cục Thống kê vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh trong quý II/2025 đối với các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Qua khảo sát, các doanh nghiệp đều thể hiện sự lạc quan trong sản xuất kinh doanh quý II/2025.
Theo kết quả khảo sát, dự kiến hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý II/2025, 45,8% doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khả quan hơn quý trước, 39,2% cho rằng sẽ giữ ổn định và 15% dự đoán có thể gặp nhiều thách thức hơn.
Đáng chú ý, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thể hiện mức độ lạc quan cao nhất, với 87% số doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh quý II sẽ được cải thiện hoặc duy trì ổn định. Tỷ lệ tương ứng ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước là 84,7% và khu vực ngoài Nhà nước là 84,1%.
Kết quả điều tra xu hướng quý II/2025 so với quý I/2025 cũng cho thấy, về khối lượng sản xuất, có 45,1% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 40,9% số doanh nghiệp dự báo ổn định và 14,0% số doanh nghiệp dự báo giảm.
Về đơn đặt hàng, có 43,3% số doanh nghiệp dự kiến số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên; 42,8% số doanh nghiệp dự kiến số lượng ổn định và 13,9% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 37,8% số doanh nghiệp dự kiến tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới; 48,9% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 13,3% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Mặc dù, trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Thống kê nhận định, quý II/2025, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo.
Theo đó, các doanh nghiệp có thể gặp phải một số áp lực như: kết quả sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/ 2025cho thấy, sản xuất tăng khá (9,5%), tiêu thụ tăng thấp hơn (tăng 5,9%, thấp hơn chỉ số sản xuất 3,6 điểm phần trăm), tồn kho cao (chỉ số tồn kho tăng 15,1% so với cùng kỳ).
Cục Thống kê cho biết, lượng tồn kho cao sẽ tạo ra áp lực cho các doanh nghiệp khi hàng chưa giải phóng được thì chưa doanh thu để bổ sung vốn tiếp tục cho sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn về vốn để tiếp tục sản xuất cho các chu kỳ sau, có thể dẫn đến giảm sản lượng sản xuất nếu doanh nghiệp không được kịp thời bổ sung dòng tiền cho sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, với thị trường trong nước trên 100 triệu dân là rất lớn, nếu chúng ta không có các chính sách kích cầu trong nước mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, nhu cầu thị trường trong nước không được cải thiện sẽ là áp lực đối với doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm và sẽ làm giảm sản xuất.
Cùng với đó, đối với thị trường nước ngoài, các tiêu chuẩn, yêu cầu cao hơn về sản xuất đối với các hàng hóa xuất khẩu như sản xuất xanh, sản xuất sạch là áp lực không nhỏ đối với doanh nghiệp đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư máy móc thiết bị với công nghệ cao hơn, phải tuyển dụng và đào tạo lao động với yêu cầu cao hơn, nguyên vật liệu đầu vào chất lượng hơn, sạch hơn…do đó cần lượng vốn lớn hơn cho sản xuất.

Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng gặp gỡ, lắng nghe và trao đổi với các doanh nghiệp về chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Ảnh: Minh Thu - TTXVN
Đặc biệt, trong bối cảnh biến động chính sách thuế quan, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành công nghiệp như: điện tử, dệt, may, da giầy, gỗ, kim loại… các doanh nghiệp sẽ gặp áp lực lớn về giá và làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Do vậy sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu mới nếu không có sự chuyển hướng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới kịp thời.
Trưởng ban Phí Thị Hương Nga cho biết: Để duy trì nhịp tăng trưởng sản xuất như trong quý I/2025, các doanh nghiệp nếu không kịp thời điều chỉnh và thích ứng thì rất khó để phát triển sản xuất.
Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, các doanh nghiệp rất cần được cung cấp thông tin, hỗ trợ để doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu, hỗ trợ trong các vụ kiện chống bán phá giá; tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu…
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn nữa, có 40,4% doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay; 28,3% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước có các biện pháp bình ổn giá nguyên vật liệu; 25,1% doanh nghiệp kiến nghị cần cải cách thủ tục hành chính đồng bộ hơn nữa và 24% doanh nghiệp mong có nguồn cung nguyên vật liệu ổn định.
Cụ thể, ngành sản xuất chế biến thực phẩm có 46,8% doanh nghiệp kiến nghị được giảm lãi suất cho vay; 33,6% doanh nghiệp kiến nghị nhà nước hỗ trợ bình ổn giá nguyên vật liệu và 32,8% doanh nghiệp kiến nghị ổn định nguồn cung nguyên vật liệu.
Một số địa phương có nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm như: TP. Hồ Chí Minh có tới 66,7% doanh nghiệp kiến nghị được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, 54,8% doanh nghiệp kiến nghị bình ổn giá nguyên vật liệu, 59,5% doanh nghiệp kiến nghị ổn định nguồn cung nguyên vật liệu; Đồng Tháp có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị lần lượt là: 69,1%; 23,8% và 31%; Cần Thơ có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị lần lượt là 52,6%, 55,3% và 55,3%.
Cùng với đó, ngành dệt có 47,9% doanh nghiệp kiến nghị được giảm lãi suất cho vay; 26,9% doanh nghiệp kiến nghị hỗ trợ cắt giảm thủ tục vay vốn; 28,8% doanh nghiệp kiến nghị cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính; 30,1% doanh nghiệp kiến nghị hỗ trợ cải thiện chất lượng dịch vụ logistic và 30,1% doanh nghiệp mong muốn được tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng. Các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tập trung chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh 68,8%; Thái Bình 85,7%; Đồng Nai 50%.
“Với sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong thời gian qua, đặc biệt là các phản ứng của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương đối với chính sách áp thuế nhập khẩu mới của Mỹ trong thời gian qua rất nhanh, chúng tôi kỳ vọng sản xuất công nghiệp sẽ nhanh chóng vượt qua những khó khăn trước mắt và duy trì đà tăng trưởng trong quý tiếp theo”, bà Phí Thị Hương Nga nhận định.