Doanh nghiệp làm gì để 'chung sống' với thuế đối ứng của Hoa Kỳ?

Việc Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế đối ứng với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam không chỉ là thách thức trước mắt mà còn đặt ra yêu cầu lâu dài trong việc thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Sáng ngày 24/5, tại thành phố Huế, Sở Tài chính thành phố Huế tổ chức Hội thảo Ứng phó của doanh nghiệp trước chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Phan Quý Phương cho biết: 4 năm liền, thành phố Huế có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm 10 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc hàng đầu cả nước. Năm nay, thành phố Huế vinh dự khi được xếp ở vị trí thứ 6 toàn quốc.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế Phan Quý Phương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế Phan Quý Phương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Do đó, địa phương cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo đúng tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân; đồng thời kiến tạo một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp năng động, hiện đại và hiệu quả; sẵn sàng đồng hành và tháo gỡ mọi khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải để doanh nghiệp Huế có thể bứt phá trong thời kỳ hội nhập mới.

Ông Phan Quý Phương hy vọng, thông qua hội thảo, các doanh nghiệp sẽ chủ động cập nhật thông tin, tăng cường liên kết và trang bị thêm những kỹ năng, giải pháp phù hợp để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, sản xuất nhằm thích ứng linh hoạt và vững vàng hơn trong môi trường thương mại quốc tế đang thay đổi nhanh chóng.

Các chính sách điều chỉnh thương mại, đặc biệt là các chính sách thuế đối ứng giữa các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc… đang tạo ra những tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư, sản xuất và chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, có doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Huế. Vì vậy, việc Hoa Kỳ áp dụng hoặc điều chỉnh chính sách thuế đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam không chỉ là thách thức trước mắt mà còn đặt ra yêu cầu lâu dài trong việc nâng cao tính minh bạch, xuất xứ rõ ràng và khả năng thích ứng của doanh nghiệp. Trên địa bàn thành phố Huế, số lượng doanh nghiệp có hoạt động liên quan lĩnh vực xuất nhập khẩu là khá lớn; trong đó, số lượng bị tác động trực tiếp đến hơn 200 doanh nghiệp với các mặc hàng chủ yếu trong lĩnh vực may mặc như nguyên phụ liệu, sản xuất sợi, dệt may, máy móc phụ tùng; linh kiện phụ tùng ô tô; sản phẩm dệt may, sợi, thủy sản…. Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhận định, thuế đối ứng Hoa Kỳ tác động trực tiếp đặc biệt lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đi Hoa Kỳ về cạnh tranh, thị phần, chuỗi cung ứng… Bởi thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng lớn ở hầu hết các ngành xuất khẩu trọng điểm hoặc tỷ trọng áp đảo ở một số ngành xuất khẩu dù kim ngạch xuất khẩu không quá lớn.

Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI Đậu Anh Tuấn chia sẻ tham luận tại hội thảo. Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI Đậu Anh Tuấn chia sẻ tham luận tại hội thảo. Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Phần lớn các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam không được miễn trừ thuế đối ứng. Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất xuất khẩu hàng hóa đi Hoa Kỳ như doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu, doanh nghiệp tham gia phối hợp sản xuất, doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi thuế đối ứng Hoa Kỳ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều thông tin về tình hình kinh tế quốc tế, thuế đối ứng của Hoa Kỳ và những tác động đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung cũng như doanh nghiệp thành phố Huế nói riêng. Cùng đó, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp dành cho doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử, đối với các đơn hàng hiện có, doanh nghiệp cần theo dõi sát động thái, phối hợp đàm phán với nhà nhập khẩu và tranh thủ xuất hàng trong giai đoạn tạm hoãn thuế. Ngoài ra, doanh nghiệp xem xét từng bước điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu và cải cách , đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần ủng hộ, phối hợp Chính phủ trên mọi phương diện, thúc đẩy đàm phán ở tất cả các kênh có thể ở Hoa Kỳ. Trong kinh doanh, doanh nghiệp tăng cường hàng hóa, nguyên nhiên liệu từ Hoa Kỳ; phát hiện, đấu tranh chống mọi biểu hiện gian lận thương mại, đặc biệt là gian lận về xuất xứ. Bên cạnh đó, Chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng về thủ tục xử lý đơn hàng bị chậm, hủy; tín dụng, giãn, hoãn nợ cũng như các chính sách để đa dạng hóa thị trường thông qua kết nối đối tác, quảng bá, xúc tiến ở các thị trường khác.

Mai Trang/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-lam-gi-de-chung-song-voi-thue-doi-ung-cua-hoa-ky/374679.html