Doanh nghiệp làm gì khi chồng chất những khó khăn ?

Trong giai đoạn phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thách thức. Việc bảo đảm nguồn nguyên liệu, cắt giảm chi phí đầu vào đang là những giải pháp được các doanh nghiệp triển khai, giúp ổn định sản xuất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm...

Tăng lượng dự trữ

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đã tăng từ 20-30%. Hiện nhiều doanh nghiệp đang tập trung dự trữ nguồn nguyên liệu đầu vào để tránh bị tác động bởi đợt tăng giá mới.

Ngay từ đầu năm, Công ty cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức) đã ký kết hợp đồng với nhiều đối tác, với sản lượng khoảng 2.000 tấn, tăng 50% so với năm trước. Vì vậy, việc ổn định nguồn nguyên liệu cho sản xuất được doanh nghiệp tính toán rất kỹ lưỡng.

 Chế biến chanh dây tại Công ty cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức)

Chế biến chanh dây tại Công ty cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức)

Hiện tại, giá chanh dây nguyên liệu hiện đang xuống mức rất thấp, giảm 30-40% so với trước. Vì vậy, doanh nghiệp đã đầu tư gần 10 tỷ đồng cho việc thu mua, dự trữ với sản lượng lớn.

Ngoài sản lượng 150 tấn dự trữ tại nhà máy, doanh nghiệp đang có 300 tấn gửi tại các nhà cung cấp. Với lượng nguyên liệu lớn này dự kiến sẽ duy trì hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp đến hết tháng 6 năm nay.

 Đồ họa: Bình Minh - Lê Dung

Đồ họa: Bình Minh - Lê Dung

Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khẩu Macca Sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) cũng đang tích cực đầu tư cho việc dự trữ nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Hiện nay, do trái vụ nên giá nguyên liệu mắc ca tăng rất cao từ 10-20% so với trước. Tuy nhiên, nhờ có nguồn hàng dự trữ từ năm trước nên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gần như không bị ảnh hưởng.

 Chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu giúp Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khẩu Macca Sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) ổn định sản xuất

Chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu giúp Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khẩu Macca Sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) ổn định sản xuất

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty cho biết: “Hiện tại, doanh nghiệp đang có khoảng 10 tấn hạt mắc ca dự trữ từ năm trước nên vẫn đủ để duy trì hoạt động sản xuất trong vòng 1-2 tháng tới.

Đến tầm tháng 7, mắc ca sẽ bước vào chính vụ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thu mua và dự trữ để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất trong những tháng cuối năm”.

Được biết, Công ty hiện đang đầu tư xây dựng nhà xưởng tại xã Đắk Ha (Đắk Glong), với diện tích trên 500m2 và tổng trị giá hơn 2,5 tỷ đồng.

Với kho mới này, đơn vị có thể tăng nguồn dự trữ nguyên liệu hạt mắc ca từ 50 tấn lên 100 tấn. Việc đầu tư này sẽ giúp hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ổn định hơn. Giá cả đầu vào cũng ít bị ảnh hưởng khi thị trường có nhiều biến động.

 Đồ họa: Bình Minh - Lê Dung

Đồ họa: Bình Minh - Lê Dung

Cắt giảm chi phí

Để ổn định sản xuất, cùng với việc tăng cường dự trữ nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp đang xoay xở tìm cách cắt giảm chi phí.

Trong năm qua, DNTN Tùng Anh (Đắk Song) đã sắp xếp lại các bộ phận sản xuất. Theo đó, 6/8 công nhân thuộc dây chuyền cắt, may thủ công được doanh nghiệp chuyển qua bộ phận khác.

Thay vào đó, doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền may bao bì tự động mới, có năng suất cao hơn. Qua đó, vừa giúp gia tăng chất lượng cho sản phẩm, vừa hợp lý hóa các khâu sản xuất, giảm các chi phí phát sinh ngay từ đầu vào.

Ông Phạm Xuân Tùng, Chủ DNTN Tùng Anh (Đắk Song) cho biết: “Để giảm thiểu ảnh hưởng từ việc tăng giá nguyên liệu xăng, dầu và ổn định kinh doanh trong giai đoạn phục hồi kinh tế, công ty sẽ khai thác triệt để vận chuyển hàng hai chiều nhằm tiết kiệm chi phí nguyên liệu, nhân công”.

 Đồ họa: Bình Minh - Lê Dung

Đồ họa: Bình Minh - Lê Dung

Các kế hoạch mở rộng sản xuất cũng được Công ty cổ phần đầu tư Long Huệ (Tuy Đức) tạm gác lại để tập trung nguồn lực cho phát triển duy nhất một mặt hàng chanh dây.

“Việc sử dụng các kho bảo quản đông lạnh tại chỗ ở các nhà cung ứng nguyên liệu cũng là một trong những giải pháp giúp tiết giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp không phải bỏ ra một nguồn vốn lớn cho xây dựng kho bãi, nhà xưởng như dự định ban đầu để tập trung cho sản xuất”, ông Nguyễn Chí Long, Chủ tịch HĐQT Công ty chia sẻ thêm.

Bài, ảnh: Lê Dung

2,719

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/doanh-nghiep-lam-gi-khi-chong-chat-nhung-kho-khan--92483.html