Doanh nghiệp lần lữa đưa trái phiếu lên sàn dù có thể bị phạt?

Việc đưa trái phiếu lên sàn giao dịch tập trung không chỉ công khai minh bạch mua đi - bán lại, mà còn thúc đẩy doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn. Tuy nhiên, sau 3 tháng mới chỉ có gần 300 mã trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đăng ký giao dịch, chiếm tỷ lệ 25% số lượng trái phiếu phải đăng ký giao dịch theo quy định (hơn 1.100 trái phiếu).

Theo ông Đỗ Đức Mạnh, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ ngày sàn giao dịch TPDN riêng lẻ đi vào hoạt động (19/7) đến 23/10 đã có gần 300 mã trái phiếu giao dịch, tương ứng giá trị giao dịch khoảng hơn 35.000 tỷ đồng.

Các mã TPDN có giá trị giao dịch cao là Vinfast với hơn 8.400 tỷ đồng, Vietcombank gần 5.900 tỷ đồng, BIDV hơn 3.900 tỷ đồng, trong khi một số mã TPDN của Tracodi, Masan… có giá trị giao dịch khá thấp.

Đáng chú ý, giá trị giao dịch tăng mạnh qua từng tháng: tháng 7 có giá trị giao dịch ghi nhận là 3.600 tỷ đồng, tháng 8 là 7.000 tỷ đồng, tháng 9 là 9.500 tỷ đồng và tháng 10 là 15.000 tỷ đồng.

Vietcombank là một trong những tổ chức phát hành có giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đăng ký giao dịch lớn.

Vietcombank là một trong những tổ chức phát hành có giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đăng ký giao dịch lớn.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, so với quy mô của thị trường TPDN, lượng giao dịch này còn rất khiêm tốn. Quy mô giao dịch của sàn được kỳ vọng sẽ tăng mạnh khi tất cả các TPDN riêng lẻ còn dư nợ được niêm yết.

Thế nhưng, đã hết 3 tháng theo quy định (ngày 19/10), đến nay vẫn còn gần 1.000 mã trái phiếu chưa vào hệ thống giao dịch.

Theo thông tin từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), số lượng hồ sơ công ty đã và đang xử lý lên đến 700 bộ. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán vẫn chưa hoàn thiện thủ tục để đưa TPDN riêng lẻ của mình lên sàn giao dịch tập trung.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, theo Nghị định 153 của Chính phủ, trường hợp tổ chức phát hành TPDN riêng lẻ không hoặc chậm đưa trái phiếu lên hệ thống giao dịch tập trung sẽ bị phạt tiền từ 10 - 400 triệu đồng, tùy theo thời gian quá hạn từ 1 tháng đến trên 12 tháng, hoặc không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán. Ngoài ra, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Thế nhưng, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết cho rằng kể cả mức xử phạt cao nhất là 400 triệu thì số tiền vẫn quá nhỏ so với quy mô phát hành hàng trăm tỷ của doanh nghiệp, trong khi đó các nhà đầu tư mong ngóng trái phiếu lên sàn để có thể thanh khoản được trái phiếu.

Đồng tình, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup đánh giá, doanh nghiệp chậm đưa trái phiếu lên sàn cũng đã nắm được quy định này, nhưng vẫn chấp nhận chịu phạt hành chính.

Theo các chuyên gia, việc đưa trái phiếu lên sàn giao dịch tập trung không chỉ công khai minh bạch mua đi bán lại mà còn thúc đẩy doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn. Minh chứng là theo báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect, trong quý III/2023 có 88 đợt phát hành TPDN với tổng giá trị phát hành đạt 100.163 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với quý II/2023 và tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 80 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 88.715 tỷ đồng. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang dần quay trở lại với thị trường.

Giá trị giao dịch TPDN riêng lẻ tăng mạnh qua từng tháng.

Giá trị giao dịch TPDN riêng lẻ tăng mạnh qua từng tháng.

Vậy, tại sao nhiều doanh nghiệp lại không “mặn mà” đưa trái phiếu lên sàn giao dịch?

Một số chuyên gia cho rằng bên cạnh nguyên nhân một số doanh nghiệp chưa nắm rõ hết thủ tục nên niêm yết chậm, vẫn còn nhiều doanh nghiệp có tình hình tài chính kém không muốn lên sàn do phải công khai thông tin nhà phát hành, điều kiện phát hành, số lượng trái phiếu, lãi suất… Việc lên sàn cũng có thể làm lộ ra những thông tin nhạy cảm hoặc bất lợi của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh của họ.

Bên cạnh đó, có doanh nghiệp lo ngại việc lên sàn giao dịch TPDN riêng lẻ sẽ làm giảm giá trị của trái phiếu, do sự biến động của thị trường và sự cạnh tranh của các trái phiếu khác.

Một nguyên nhân nữa xuất phát từ việc thị trường TPDN còn bị ảnh hưởng bởi niềm tin của nhà đầu tư, do các sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý và việc một số tin không chính thống, tin thất thiệt về doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Để thúc đẩy đưa TPDN lên sàn, các chuyên gia đề nghị cần tăng chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp chậm hoặc không đưa trái phiếu lên sàn. “Nguyên nhân doanh nghiệp không “mặn mà” đưa trái phiếu lên sàn có thể xuất phát từ việc quy định về xử phạt không đưa chứng khoán lên sàn còn quá nhẹ. Vì vậy, khi biện pháp xử lý đủ sức răn đe, chắc chắn doanh nghiệp sẽ không dám chây ỳ”, một chuyên gia nhấn mạnh.

Đáng chú ý, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng cần đẩy nhanh giai đoạn cho phép nhà đầu tư giao dịch khớp lệnh liên tục như sàn giao dịch cổ phiếu, thay vì chỉ giao dịch TPDN thông qua phương thức thỏa thuậnnhư hiện nay.

Bên cạnh đó, trái phiếu khi lên sàn cần được thẩm định kỹ bởi các cơ quan quản lý theo tiêu chí, yêu cầu khắt khe, qua đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Đồng thời, cơ quan quản lý có thể cân nhắc thêm một số giải pháp xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/doanh-nghiep-lan-lua-dua-trai-phieu-len-san-du-co-the-bi-phat-1096121.html