Doanh nghiệp lao đao vì giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào leo thang

Giá xăng dầu tăng mạnh, giá nguyên vật liệu đầu vào phi mã, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lao đao, phải gồng mình chống đỡ để không bị gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD). Nhưng nỗi lo khan hiếm nguồn cung, nguyên liệu và giá cả hàng hóa đầu vào tăng mạnh luôn hiện hữu.

Giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào leo thang tác động mạnh đến hoạt động SXKD của Công ty TNHH Phú Lương. Ảnh: Chu Kiều

Giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào leo thang tác động mạnh đến hoạt động SXKD của Công ty TNHH Phú Lương. Ảnh: Chu Kiều

Xăng dầu tăng, khiến giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, làm cho DN đã khó khăn vì dịch Covid - 19, nay càng khó hơn.

Ông Đoàn Văn Lương, Giám đốc Công ty TNHH Phú Lương (Phúc Yên) cho biết: "Giá sắt, thép tăng cao, nhôm hiện ở mức đỉnh, cộng với “tác động dây chuyền” từ việc tăng giá xăng dầu khiến các DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo chúng tôi “đứng ngồi không yên”, vì chi phí sản xuất của DN phải tăng theo.

Trong khi đó các đơn hàng đã được ký kết với các đối tác từ năm 2021 hoặc trước đó, nên nguy cơ DN SXKD không lợi nhuận hoặc bù lỗ là rất cao".

Ông Lương cho biết thêm, việc vật tư, vật liệu có xu hướng tăng không nằm ngoài dự đoán. Trong hoạt động SXKD, Công ty Phú Lương đã tính toán đến chi phí phát sinh do nguyên liệu đầu vào biến động, công tác phòng, chống dịch và phí vận chuyển...

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2022 “cơn bão” giá nguyên liệu và xăng dầu khiến DN lâm vào tình cảnh khó khăn, nguy cơ bị “tổn thương” rất lớn. Chính vì vậy, cộng đồng DN rất cần sự chia sẻ từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương và các tổ chức tín dụng để DN không bị gián đoạn hoạt động, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Tương tự, một trong những lĩnh vực đang phải đối mặt với giá cả tăng chóng mặt gần đây nhất là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng.

Ông Nguyễn Thiệu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Gốm Quang Sơn cho biết: "Chi phí đầu vào tăng, đã tác động tiêu cực đến hoạt động SXKD của đơn vị. Duy trì ổn định sản xuất, bên cạnh việc tìm nguồn nguyên liệu, vật tư thay thế, DN chúng tôi phải tính toán lại kế hoạch SXKD, cân đối chi phí phát sinh để không bị bù lỗ. Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất".

Hiện nay, Công ty Gốm Quang Sơn đang bán hàng gần như không lợi nhuận, thậm chí thua lỗ để giữ chân khách hàng và hỗ trợ người tiêu dùng. Nếu nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng trong thời gian tới, công ty sẽ phải tăng giá bán sản phẩm để tránh thua lỗ nặng.

Đây là điều không mong muốn, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập và tiêu dùng giảm sút, nhưng là đơn vị kinh doanh nên công ty buộc phải bảo toàn nguồn vốn và sinh lời.

Giá xăng dầu tăng mạnh, làm cho giá nguyên vật liệu đầu vào "phi mã" khiến nhiều DN lao đao, phải “gồng mình” chống đỡ, song vẫn lâm vào tình cảnh khó khăn, không dự báo được tình hình SXKD.

Nhưng điều đáng lo hơn, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao tác động trực tiếp gia tăng giá thành sản phẩm ở cả khâu sản xuất và lưu thông, như vậy sẽ tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, để hoạt động SXKD không bị gián đoạn, các DN cần tăng cường dự trữ nguyên liệu cho sản xuất, tránh tình trạng thiếu hụt khi giá tăng cao. DN và hộ sản xuất cần chủ động tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu.

Cùng với đó, cơ quan quản lý cần nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu. giảm chi phí vận chuyển, lưu kho bãi để giảm giá thành, ổn định sản xuất trong nước.

Trần Tỉnh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/75168/doanh-nghiep-lao-dao-vi-gia-xang-dau-nguyen-vat-lieu-dau-vao-leo-thang.html