Doanh nghiệp liên kết để sớm phục hồi

Do tác động của dịch COVID-19, chuỗi cung ứng, sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị đứt đoạn, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp...

Dịch vụ bảo dưỡng định kỳ do Hikari Vietnam cung cấp. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Dịch vụ bảo dưỡng định kỳ do Hikari Vietnam cung cấp. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất đã trở lại bình thường. Nhiều doanh nghiệp đã tiến tới liên kết để biến những khó khăn thành cơ hội khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Lê Văn Luận, Giám đốc Xí nghiệp 380, thành viên của Công ty cổ phần Phú Tài, năm 2020, đầu năm tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất lớn. Đối với Xí nghiệp 380 cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này.
Qua 5 tháng, sản xuất kinh doanh của xí nghiệp giảm khoảng 30-35%, với 18 đầu mối trên khắp cả nước về khai thác chế biến đá Grannite phục vụ trong nước và xuất khẩu, tại Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Nông, Yên Bái...
Ngoài ra, tại thị trường nước ngoài như: Đức, Nga, Rumani, Hoa Kỳ... cũng bị ảnh hưởng do dịch, lượng đơn hàng giảm sút rất mạnh, lượng đơn hàng xuất khẩu tiếp tục khó khăn. Phía đối tác từ các nước vẫn chưa có tín hiệu đặt hàng trở lại, ông Luận cho hay.
Thời gian qua, Chính phủ, tỉnh Bình Định cũng đã đưa ra nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh như về vốn, nộp thuế, bảo đảm chế độ hỗ trợ người lao động..., tuy nhiên, các hỗ trợ này phần lớn mới chỉ ở việc trao đổi chứ doanh nghiệp cũng chưa nhận được hướng dẫn, ưu đãi cụ thể.
Ông Luận cho hay, thời gian tới, để phục hồi sau dịch, nếu giao thương giữa Việt Nam và các nước tốt thì hoạt động marketing của xí nghiệp sẽ nâng lên, tham gia các hội chợ quốc tế, gặp gỡ khách hàng thường xuyên hơn, chủ yếu là giải pháp về thị trường. Tuy nhiên, để tăng tính cạnh tranh, xí nghiệp sẽ tìm cách liên kết với các doanh nghiệp trong khối sản xuất, hiệp hội để hỗ trợ lẫn nhau, nâng cao sức cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm...
Cũng theo ông Nguyễn Đức Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hikari Việt Nam, dịch bệnh qua đi, nhưng ảnh hưởng của nó để lại cho các doanh nghiệp, sản xuất là rất lớn. Tuy nhiên, với việc khống chế tốt dịch bệnh, Việt Nam có nhiều cơ hội vượt lên sớm hơn, khôi phục sản xuất. Trong ngành công nghiệp phụ trợ đặc biệt là công nghiệp cơ khí, doanh nghiệp vẫn có được đơn hàng khi mình tham gia và đáp ứng được tiêu chuẩn của các đối tác.
Trong thời gian qua, công ty tập trung vào đầu tư máy móc, nhân sự, đào tạo để sản phẩm đạt chất lượng cao đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Khi đạt được quy chuẩn đó thì tại thị trường trong nước, tham gia vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp nước ngoài cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Trong lúc này, các doanh nghiệp cần phát huy tính liên kết, phải xác định là sản phẩm của mình cung cấp cho thị trường, khách hàng nào, như Hikari xác định từ đầu là các khách hàng nước ngoài nên đã tìm hiểu và làm theo văn hóa của họ. Việc lựa chọn đúng từ đầu, có đầu tư chọn lọc và sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn và tăng cường tính liên kết thì doanh nghiệp sẽ trụ được và phát triển bền vững”, ông Cường nói.
Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này, ông Cường cho rằng, để phát triển, chúng ta cần cơ chế bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và FDI. Nhưng cần có những cánh chim đầu đàn thực sự mạnh, tập đoàn lớn có thể kéo và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước đi lên.
Rõ ràng, tác động và hậu quả của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế, doanh nghiệp là rất lớn. Nhưng ngược lại, từ trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội, hướng tới sự hợp tác và chia sẻ nhiều hơn.
Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí, đây là cơ hội để doanh nghiệp cơ khí trong nước nói riêng và nhiều ngành nghề công nghiệp hỗ trợ nói chung nhìn nhận lại, hợp tác và tăng liên kết với nhau, cùng vực dậy sau dịch bệnh.
Tuy nhiên, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ cần phải được sớm thực thi và đi vào cuộc sống để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng như: giãn nợ, giảm lãi suất, giãn các nghĩa vụ thuế và các khoản phải nộp, giảm thuế nhập khẩu vật tư… Phải nhanh chóng đơn giản hóa các điều kiện áp dụng để những chính sách ưu đãi đó nhanh chóng đến được với doanh nghiệp. Bởi lẽ, chậm ngày nào, gánh nặng doanh nghiệp sẽ khó được gỡ bỏ ngày đấy, ông Long cho hay.
Chính phủ đã có những giải pháp về cắt giảm điều kiện kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng phải tìm ra hướng đi, xây dựng sản phẩm và liên kết với nhau, tạo ra sức cạnh mạnh, tăng tính cạnh tranh, giải quyết được vấn đề thị trường tiêu thụ.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt bứt phá, song cần sự nỗ lực thực thi chính sách từ các bộ, ngành và của chính các doanh nghiệp, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm như trước.../.

Linh An/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-lien-ket-de-som-phuc-hoi/157513.html