Doanh nghiệp lo thiếu lao động vì COVID-19

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là thời điểm phòng chống dịch COVID- 19 đang được triển khai trên diện rộng khiến các doanh nghiệp (DN) ở Đồng Nai đang đối mặt với tình trạng thiếu hàng chục ngàn lao động.

Công nhân đeo khẩu trang y tế từ khi đến công ty cho đến hết giờ làm việc.

Công nhân đeo khẩu trang y tế từ khi đến công ty cho đến hết giờ làm việc.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có hơn 3.000 DN có nhu cầu tuyển dụng hơn 75.000 lao động. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm đa số với với hơn 70% tương đương hơn 50.000 lao động, chủ yếu là các ngành nghề như may mặc, giày da, đồ gỗ, điện tử. Trong khi đó lao động trình độ trình độ cao đẳng, đại học chiếm khoảng 9%, còn lại là lao động đã qua đào tạo nghề.

Để tuyển công nhân, nhiều DN tại các KCN trên địa bàn Đồng Nai đã đồng loạt treo thông báo tuyển dụng lao động với mức lương và nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút lao động. Trong đó phải kể đến một số DN tuyển dụng nhiều lao động như Công ty Changshin Việt Nam tuyển gần 7.000 lao động, Công ty Hwaseung Vina Việt Nam tuyển 6.000 người, Công ty Hyosung Việt Nam tuyển gần 3.000 lao động…

Đại diện nhân sự Công ty Pousung Việt Nam tại huyện KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom cho biết, đến giữa tháng 2 công ty mới tuyển được 300 trong số 8.000 lao động cần tuyển để mở rộng sản xuất. Trong khi đó đại diện Công ty TNHH Changshin VN cho biết mỗi tuần chỉ tuyển được hơn 100 lao động nên đang gặp khó về nguồn lao động sau Tết Nguyên đán.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, năm nay nhiều DN trên địa bàn mở rộng sản xuất nên cần tuyển số lượng lớn lao động. Song nguồn lao động tại địa phương không đáp ứng đủ, trong khi lao động nhập cư từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vài năm trở lại đây giảm mạnh. Dự báo một số DN sẽ thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động phổ thông.

Hiện Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai đang khảo sát, thống kê nguồn cung lao động tại địa phương, từ đó kết nối cung - cầu lao động. Trung tâm sẽ hướng dẫn các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động đến các đơn vị có chức năng tuyển dụng và giới thiệu lao động. Đồng thời giới thiệu cho các doanh nghiệp này đến các sở, địa phương khác ở khu vực miền Tây, Tây Nguyên để tự tuyển dụng lao động.

Ngoài khó khăn do thiếu hụt lao động, trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát, DN và người lao động tại Đồng Nai cũng vừa sản xuất, vừa lo phòng chống dịch; chủ động với những tình huống xấu, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng Nai là tỉnh có 31 KCN đang hoạt động, thu hút hàng nghìn DN đến từ 43 quốc gia, vùng lãnh thổ, với hơn một triệu công nhân đang làm việc và nhiều chuyên gia, lao động nước ngoài… do đó ngành chức năng và công nhân lao động ở Đồng Nai đã và đang tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh để ổn định sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hòa Hiệp đã yêu cầu Ban Quản lý các KCN phối hợp chặt chẽ với Công an và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai việc cách ly các đối tượng phải cách ly theo quy định.

Là DN có đông công nhân nhất ở Đồng Nai, những ngày qua, hơn 38 nghìn người lao động của Công ty cổ phần TeaWang Vina ở KCN Biên Hòa 2 đã trở lại làm việc; các dây chuyền, xưởng sản xuất hoạt động bình thường.

Chủ tịch Công đoàn công ty Đinh Sỹ Phúc cho biết, để công nhân yên tâm lao động trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chủ DN và tổ chức công đoàn đã triển khai các nội dung theo khuyến cáo của ngành y tế và mua thêm xà phòng, nước uống để ở nhiều vị trí trong công ty. Đối với chuyên gia nước ngoài, công nhân người nước ngoài sau khi trở lại làm việc, bộ phận y tế của doanh nghiệp đã tiến hành khám sức khỏe để tầm soát dịch bệnh ban đầu.

Tuy nhiên những ngày qua, một số thông tin trên mạng xã hội đăng tải sai sự thật về các trường hợp nhiễm COVID -19 đã khiến nhiều công nhân lo lắng. Do đó công đoàn nhiều DN cũng đã tổ chức các buổi tuyên truyền cho công nhân qua hệ thống phát thanh của công ty để công nhân yên tâm.

Liên quan đến vấn đề này hiện Công an Đồng Nai cũng đang phối hợp chặt chẽ với các DN trên địa bàn để tuyên tuyên đến công nhân không đăng tải, chia sẻ các thông tin bịa đặt không chính xác về COVID -19 khiến người lao động lo lắng, mất ANTT trên địa bàn tỉnh.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-lo-thieu-lao-dong-vi-c0vid-19-582277/