Doanh nghiệp logistics mong muốn các địa phương Đông Nam bộ tăng kết nối hạ tầng
Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào chính cơ sở của mình như kho, bãi, cảng… nhưng về kết nối thì doanh nghiệp không làm được.
Sáng nay (6/4) tại TP.HCM, tạp chí Hải Quan tổ chức tọa đàm “Phát triển Logistics Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa".
Theo thống kê, riêng vùng Đông Nam bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Số lượng doanh nghiệp logistics của TP.HCM với trên 11.000 doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương trên 1.600 doanh nghiệp, Đồng Nai có trên 1.200 doanh nghiệp…
Tại tọa đàm, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, ngành chức năng cùng phân tích những khó khăn về hạ tầng và chính sách chưa được tháo gỡ khiến logistics trong vùng vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu, chưa giảm được chi phí.
Cụ thể, theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, hiện nay, các doanh nghiệp trong hiệp hội đã có sự đầu tư về hạ tầng và công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể kết nối hạ tầng giữa các tỉnh thành trong vùng, giữa khu sản xuất chế biến với cảng, sân bay và giữa vùng với các thị trường. Cho nên, doanh nghiệp mong muốn chính quyền và ngành chức năng vừa có chính sách vừa có hành động cụ thể để kết nối hạ tầng tốt hơn, nhất là kết nối các khu công nghiệp, các vùng nguyên liệu với cảng biển, sân bay…
Nhiều doanh nghiệp cũng nêu ý kiến về việc nên tính đến chuyện phát triển giao thông vận tải đường thủy mạnh hơn, để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu và tháo gỡ quá tải vận tải đường bộ, góp phần giảm chi phí logistics.
Ông Đặng Hữu Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam nêu ý kiến: “Đầu tiên vẫn là điểm yếu về đầu tư hạ tầng, về tính kết nối vùng miền. Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào chính cơ sở của mình như kho, bãi, cảng… nhưng về kết nối thì doanh nghiệp không làm được. Hoặc về các vấn đề liên quan đến chính sách pháp lý thì doanh nghiệp có thể phản biện, góp ý để xây dựng chính sách hoàn thiện hơn, nhưng chỉ doanh nghiệp thì cũng không làm được”.
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc được phân tích rõ, các đại biểu đề xuất nhiều cách tháo gỡ. Đó là, về phía các địa phương đã có quy hoạch về hạ tầng giao thông, kho bãi, cảng, khu trung chuyển và sẽ có những ưu tiên những hạng mục cần thiết phù hợp với nguồn lực hiện có. Ngành chức năng mà cụ thể là hải quan tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, số hóa các khâu để cải thiện thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Riêng về phía doanh nghiệp logistics trong vùng Đông Nam bộ, cần chủ động hơn trong nắm bắt, đầu tư gắn với các công trình hạ tầng quan trọng của vùng như cao tốc TP.HCM- Mộc Bài, đường Vành đai 3./.